Trung Quốc ‘trông chừng’ bà Thái Anh Văn

Hôm 7-1 (giờ địa phương), nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã ghé qua Houston (bang Texas) trên đường sang Trung Mỹ thăm bốn nước Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador trong vòng chín ngày.

Hãng tin CNA (Đài Loan) đưa tin tại cuộc họp báo trước chuyến đi, bà Thái Anh Văn cho biết có hai công việc quan trọng trong chuyến đi này. Một là thắt chặt quan hệ với các đồng minh và tăng cường sự hiện diện của Đài Loan trên thế giới. Hai là đào sâu các chương trình hợp tác với các đồng minh.

Trong các nhân vật đón tiếp bà Thái Anh Văn tại sân bay Houston có nghị sĩ Hạ viện Blake Farenthold (đảng Cộng hòa), Chủ tịch Viện Mỹ tại Đài Loan (đại diện cho quyền lợi Mỹ tại Đài Loan) James Moriarty và đại diện của Đài Loan tại Mỹ Stanley Kao.

CNA đánh giá chuyến quá cảnh tại Houston của bà Thái Anh Văn mang ý nghĩa mới trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump với bà Thái Anh Văn đầu tháng 12-2016.

Trung Quốc đã hai lần lên tiếng phản đối bà Thái Anh Văn quá cảnh ở Mỹ và đề nghị Mỹ không cho bà vào Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chặng quá cảnh dự kiến trong chuyến đi của bà Thái Anh Văn là thông lệ lâu nay ở Mỹ và phù hợp với tính chất không chính thức trong quan hệ Mỹ-Đài.

Trung Quốc nghe ngóng chính sách mới của Mỹ. Biếm họa của PARESH NATH (báo The Khaleej Times của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất)

Đầu tháng 12-2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã từng chỉ trích: “Cái gọi là ngoại giao quá cảnh chẳng qua là tiểu xảo của nhà lãnh đạo Đài Loan”.

Tại Houston, bà Thái Anh Văn đã tham quan Bảo tàng Mỹ thuật, gặp gỡ các doanh nghiệp Đài Loan và tiếp xúc với các kiều dân Đài Loan tại Mỹ.

Cục An ninh ngoại giao (Bộ Ngoại giao Mỹ) đã triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt.

Ngày 7-1, người phát ngôn của êkíp chuyển giao quyền lực của ông Trump thông báo ông Trump hay êkíp của ông sẽ không gặp bà Thái Anh Văn khi bà quá cảnh ở Houston.

Theo báo South China Morning Post, các nhà quan sát nhận định dù bà Thái Anh Văn không tiếp xúc với ông Trump, Bắc Kinh vẫn theo dõi sát sao động thái của bà Thái. Mục đích nhằm đánh giá xem chính quyền mới ở Mỹ có thay đổi gì về chính sách đối với Đài Loan.

Chuyên gia Vương Mân ở Viện Nghiên cứu Đài Loan (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) nhận định: “Bắc Kinh có thể phán đoán mức tương tác trong tương lai giữa Đài Loan và Mỹ bằng cách xem bà Thái tiếp xúc với những ai và mức độ thâm giao tới đâu. Dấu hiệu thứ hai cần quan sát là hai bên đã nói với nhau những gì và đạt được thỏa thuận nào”.

Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án quyền lực Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), ghi nhận Bắc Kinh rất lo ngại các cuộc gặp riêng tư trong chuyến quá cảnh của bà Thái Anh Văn có thể mở đường cho Mỹ từ bỏ chính sách “một Trung Quốc”.

Dù vậy bà đánh giá: “Tôi cho rằng cả Đài Loan lẫn Mỹ đều muốn chuyến quá cảnh này ít bị để ý đến bởi chọc giận Bắc Kinh chẳng thu được lợi ích gì”.

Ở châu Phi chỉ còn Swaziland và Burkina Faso thừa nhận Đài Loan trong khi con số này vào năm 1995 là 13 nước. Gần đây nhất vào ngày 21-12-2016, đảo quốc Sao Tomé và Principe đã tuyên bố cắt đứt quan hệ bang giao với Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực ve vãn Burkina Faso. Vốn đầu tư Trung Quốc vào ngành khai thác mỏ ở Burkina Faso ngày càng lớn. Do Burkina Faso là đồng minh quan trọng ở châu Phi, Đài Loan cũng đã cam kết sẽ tăng cường đầu tư vào nước này.

__________________________________

21 nước còn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, trong đó có 12 nước ở Mỹ La tinh và khu vực Caribbean, sáu nước ở châu Á-Thái Bình Dương, hai nước ở châu Phi và một nước ở châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm