Trung Quốc tố Mỹ, Úc 'phô trương cơ bắp' khi tập trận tại Biển Đông

Hãng AP đưa tin Trung Quốc ngày 11-6 đã chỉ trích Mỹ và Úc đang “phô trương cơ bắp” khi đã tiến hành các cuộc tập trận tại Biển Đông thời gian gần đây, đồng thời nhấn mạnh sự nhạy cảm đối với tuyến đường thủy chiến lược mà Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố yêu sách này.

Tại cuộc họp giao ban hôm 11-6, ông Uông Văn Bân - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cho biết Mỹ và Úc nên "làm những điều có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, thay vì phô trương cơ bắp".

Thủ tướng Úc Scott Morrison (trái) và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: 9NEWS

Theo thông báo từ Hạm đội 7 hôm 11-6, tàu khu trục USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ và tàu hộ vệ HMAS Ballarat của hải quân Hoàng gia Úc đã tiến hành tập trận ở Biển Đông từ ngày 6-6 đến ngày 11-6.

Nội dung tập trận bao gồm các cuộc diễn tập cơ động cùng với các tàu hậu cần, cũng như hoạt động phối hợp trực thăng và bắn đạn thật.

Theo hải quân Mỹ, cuộc tập trận chung nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tương tác giữa hải quân hai nước, thể hiện cam kết của Washington trong việc hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực trong nỗ lực duy trì trật tự quốc tế trên Biển Đông.

“Các tàu đã rèn luyện kỹ năng nâng cao trong môi trường hỗn hợp, trong khi thực thi hoạt động qua lại thường xuyên trong khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế” – thông báo của hải quân Mỹ nêu rõ.

Theo AP, ông Anthony Massey - chỉ huy trưởng của tàu USS Curtis Wilbur - đã bày tỏ sự hào hứng "khi được làm việc với đồng minh Úc".

"Sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai bên thể hiện quyết tâm và cam kết không ngừng của chúng tôi nhằm duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trong khu vực" - ông Massey cho biết.

Động thái trên là diễn biến căng thẳng mới nhất giữa Úc và Trung Quốc, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 10-6 tuyên bố rằng Canberra sẽ yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giải quyết cuộc chiến thuế quan thương mại về rượu giữa nước này với Bắc Kinh.

Mỹ và nhiều nước đã bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, tuyến đường thủy với gần 50% tỷ trọng hàng hóa thương mại quốc tế, ước tính khoảng trên 5000 tỉ USD, qua lại mỗi năm.

Úc cũng bày tỏ quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là việc Bắc Kinh bồi đắp phi pháp các đảo nhân đạo tại khu vực.

Về phần mình, Trung Quốc gọi sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Đông Nam Á là "mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh khu vực".

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm