Trung Quốc: Tiền tham ô chảy ra nước ngoài

Trong phiên họp toàn thể diễn ra vào trung tuần tháng 1, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc yêu cầu phải kiên quyết thực hiện các quy định và chế độ khai báo về định cư, đầu tư, làm việc ở nước ngoài của vợ (chồng), con cái cán bộ lãnh đạo.

Bất lợi khôn lường

Mấy năm gần đây, một số quan chức làm việc trong nước nhưng vợ con đều đã di cư ra nước ngoài. Tình trạng gia đình xuyên quốc gia như thế chính là lỗ hổng pháp luật để một bộ phận quan chức lợi dụng.

Cuối năm 2008, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố báo cáo điều tra cho thấy từ cải cách mở cửa đến năm 2004, khoảng 4.000 quan tham đã trốn ra nước ngoài mang theo số tiền tham ô đến 50 tỷ USD (860.000 tỷ đồng VN).

Tình trạng gia đình xuyên quốc gia không chỉ tạo cơ hội để quan tham chuyển tiền phi pháp hoặc thoát thân ra nước ngoài khi có nguy cơ bị lộ mà còn gây bất lợi về chính trị, kinh tế, quốc phòng. Tổn thất về kinh tế đã rõ nhưng nguy hại về thông tin kinh tế và quốc phòng bị rò rỉ khó có thể tính được.

Với gia đình xuyên quốc gia, khi đưa ra quyết sách quan trọng, lập trường của quan chức rất dễ bị lung lay. Quan chức biến chất đào tẩu ra nước ngoài càng gây khó khăn cho công tác chống tham nhũng.

Giáo sư Cung Duy Bân (Học viện hành chính quốc gia Trung Quốc) nhận xét: “Không thể phán xét một quan chức là quan tham hay phản bội tổ quốc chỉ vì có vợ con định cư tại nước ngoài. Tuy nhiên, người dân khó có thể tin tưởng họ có lòng yêu nước sâu đậm và có lý tưởng chính trị kiên định”.

Có luật nhưng không đủ

Thực ra Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định về vấn đề gia đình xuyên quốc gia. Quy định quản lý hộ chiếu, giấy thông hành của cán bộ, nhân viên công an tư pháp, cơ quan nhà nước và cơ quan Đảng ban hành tháng 8-2003 đã yêu cầu một số đối tượng cán bộ cấp huyện (phòng) trở lên phải nộp hộ chiếu, giấy thông hành cho cấp trên thống nhất quản lý.

Quy định về cán bộ lãnh đạo báo cáo các vấn đề cá nhân ban hành hồi tháng 9-2006 đã yêu cầu quan chức khai báo chín vấn đề cá nhân, trong đó có tình trạng vợ (chồng), con cái định cư ở nước ngoài.

Đến tháng 1-2007, lần đầu tiên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương điều tra về tình trạng hôn nhân và gia đình của cán bộ cấp phó phòng trở lên.

Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trên rất hạn chế bởi nội dung khai báo, báo cáo đều bảo mật. Nếu có công khai thì lại hạn chế phạm vi công bố, từ đó công chúng và giới truyền thông khó lòng giám sát.

Một nguyên nhân khác nữa là luật pháp quy định rất nghiêm ngặt về quốc tịch của cán bộ lãnh đạo nhưng không rõ ràng đối với quốc tịch của vợ (chồng), con cái quan chức. Theo quy định quốc tịch, ngoài công chức và quân nhân, luật không cấm công dân Trung Quốc được cấp quốc tịch nước ngoài.

Năm 1983, quy định về giải quyết đăng ký kết hôn giữa công dân Trung Quốc với người nước ngoài đã yêu cầu người làm việc trong quân đội, cơ quan ngoại giao, công an, cơ quan trọng yếu và nhân viên nắm giữ cơ mật quốc gia không được kết hôn với người nước ngoài.

Tuy nhiên, điều lệ đăng ký kết hôn năm 2003 đã bãi bỏ các quy định trên mà không đề cập đến vấn đề kết hôn với người nước ngoài của quan chức, không quy định rõ thế nào là nhân viên nắm giữ cơ mật quốc gia và vợ (chồng) quan chức có được thay đổi quốc tịch hay không.

Phương hướng giải quyết

Trước tình hình này, để phòng chống tham nhũng hiệu quả, đã có nhiều ý kiến đề nghị:

- Phải giám sát di dân nghiêm ngặt và lưu hồ sơ đối với người thân trực tiếp của quan chức. Vợ (chồng) quan chức vẫn có quyền di dân ra nước ngoài nhưng phải thông qua cơ chế thẩm tra nghiêm ngặt.

- Quan chức trong các ban ngành chủ chốt nếu có vợ (chồng), con cái nhập tịch nước ngoài hoặc có thẻ xanh thì nên từ chức; sau khi từ chức cũng không được làm các việc liên quan đến cơ mật quốc gia.

- Quan chức định kỳ phải báo cáo về tình hình xuất cảnh của vợ (chồng), con cái, bao gồm nguyên nhân xuất cảnh, chi phí xuất cảnh từ đâu, thời gian ở nước ngoài, địa điểm lưu lại, tình hình công tác, học tập và sinh hoạt ở nước ngoài. Các sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài cũng phải nắm vững thông tin trên.

- Phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự đối với cán bộ lãnh đạo vi phạm.

Các vụ án gia đình xuyên quốc gia điển hình

Tháng 6-2007, Tòa án TP Lan Châu (tỉnh Cam Túc) đã kết án Bàng Gia Ngọc (nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chính hiệp tỉnh Thiểm Tây) 12 năm tù và tịch thu tài sản cá nhân 200.000 nhân dân tệ (500 triệu đồng VN) về tội nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm. Trước đó năm năm, vợ con y đã sớm âm thầm di cư sang Canada.

Tháng 6-2006, trước khi bị song quy (ngưng chức để làm giải trình với Đảng), Châu Kim Hỏa (nguyên cục trưởng Cục Công thương tỉnh Phúc Kiến) đã bỏ trốn ra nước ngoài. Số tiền có liên quan 100 triệu nhân dân tệ (250 tỷ đồng VN). Trước đó, vợ y đã được cấp thẻ xanh định cư.

Tháng 1-2005, Cao Sơn (nguyên giám đốc ngân hàng tại TP Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang) trốn sang Canada. Trước đó, y lấy công quỹ sang Canada sắp xếp cho vợ con định cư, sau đó chuyển một tỷ nhân dân tệ (2.500 tỷ đồng VN) ra nước ngoài rồi tuyên bố ly hôn.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm