Trung Quốc thúc đẩy ngư dân ra vùng tranh chấp

china-fish-boat-AP-1488-1406608614.jpg

Các tàu cá Trung Quốc được trang bị thiết bị vệ tinh có thể truyền tín hiệu khẩn cấp tới lực lượng Hải cảnh bất cứ lúc nào. Ảnh: AP

Thiết bị trên tàu cá của ngư dân Trung Quốc kết nối trực tiếp tới lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Nếu ngư dân gặp thời tiết xấu hay chạm mặt các đội tuần tra chấp pháp của nước láng giềng, họ chỉ cần bấm một nút khẩn cấp là có thể báo cho hải cảnh, tạo điều kiện cho các tàu chính phủ đến can thiệp.

Báo chí chính thống của Trung Quốc cho hay, tính đến cuối năm ngoái, loại thiết bị dựa trên hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu này đã được cài đặt trên 50.000 tàu cá.

Các chủ thuyền tại đảo Hải Nam chỉ phải trả chưa đến 10% chi phí trang bị hệ thống Bắc Đẩu, chính phủ chi trả nốt phần còn lại. Thêm vào đó, chính quyền Hải Nam còn khuyến khích ngư dân đánh cá tại vùng biển tranh chấp bằng cách trợ cấp giá nhiên liệu.

Một thuyền trưởng nói chính quyền Hải Nam rất khuyến khích họ đánh bắt ở những nơi xa xôi như Trường Sa, khoảng 1.100 km về phía nam.

Một ngư dân giấu tên cũng cho biết "Tôi đã đến đó (Trường Sa) nhiều lần rồi".

Chủ thuyền thường được giới chức cấp chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi. Với động cơ 500 mã lực, họ có thể nhận được 320-480 USD một ngày.

"Chính phủ chỉ cho chúng tôi nên đi đâu và trợ cấp chi phí nhiên liệu dựa trên công suất động cơ", một ngư dân nói và thêm rằng ông biết chính quyền hỗ trợ cho ngư dân đánh cá trên Biển Đông là để thực hiện tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật cho các ngư dân,  thúc đẩy họ tiến sâu vào vùng biển tranh chấp ở Đông Nam Á, tìm kiếm các ngư trường mới trong khi nguồn cá gần bờ hiếm dần.

Gần đây nhất, một cuộc đối đầu nổ ra xung quanh giàn khoan Trung Quốc đặt tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Tại đây, các tàu Trung Quốc đâm húc, gây khó khăn cho tàu Việt Nam trong suốt thời gian hơn hai tháng, trước khi rút gian khoan về hồi giữa tháng bảy.

Hầu hết giới phân tích cho rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông phục vụ hai mục tiêu: tranh giành lợi thế chiến lược trong giao thông hàng hải ở tuyến đường biển trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm; và làm chủ nguồn tài nguyên dầu khí.

Có một lý do quan trọng nữa trong tranh chấp Biển Đông thường bị bỏ qua, đó là nguồn lợi thủy sản. Theo báo cáo từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), lượng tiêu thụ cá bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2010 là 35,1 kg, gần gấp đôi mức trung bình thế giới.

"Thủy hải sản là tối quan trọng trong đời sống của người Trung Quốc. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà mọi người không tính đến khi bàn về các tranh chấp trên biển", Alan Dupont, giáo sư an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales của Australia, nói.

china-fish-industry-china-whis-6235-7744

Thủy hải sản đóng vai trò thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của người Trung Quốc. Ảnh: China Whisper

Trung Quốc tới cuối năm 2012 có hơn 16 vệ tinh hoạt động trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong số các ngư dân được phỏng vấn, tới nay chưa ai từng sử dụng hệ thống vệ tinh để gửi tín hiệu cấp cứu. Tuy nhiên, họ có thể dùng nó để cảnh báo nhà chức trách nếu gặp phải vấn đề kỹ thuật hoặc xâm nhập vào vùng biển của nước khác.

Theo ông Zhang Jie, Phó cục trưởng Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, họ không có thông tin chi tiết về việc sử dụng vệ tinh trong thực tế, tuy nhiên ông này nhấn mạnh các ngư dân được khuyến khích đánh bắt trên cái gọi là "bất kỳ vùng biển nào thuộc Trung Quốc".

Từ khi trở thành Chủ tịch nước hồi tháng ba năm ngoái, ông Tập Cận Bình liên tiếp chỉ đạo bành trướng sức mạnh trên Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của 90% trong 3,5 triệu km2 diện tích biển bao gồm cả vùng biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Cuối năm 2013, Trung Quốc từng điều tàu sân bay đến Biển Đông, trùng thời điểm lực lượng của nước này tìm cách phong tỏa một tiền đồn quân sự mà Philippines đóng trên một rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông. (Rạn san hô này thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền).

Ít nhất một công ty đánh bắt lớn của Trung Quốc đang khai thác trên vùng biển tranh chấp và nhận được sự hậu thuẫn của chính phủ. Cuối tháng hai, Công ty nuôi trồng đánh bắt thủy sản Sơn Đông, với mức lợi nhuận hàng năm đạt 150 triệu USD, tuyên bố đưa vào hoạt động 8 tàu đánh cá mới tại thành phố cảng Đông Phương trên đảo Hải Nam. Mỗi con tàu đánh cá loại này có chiều dài tới 55 mét. Công ty Sơn Đông cho biết động thái này "để đáp lại lời kêu gọi từ chính phủ nhằm mở rộng ảnh hưởng trên biển" và "bảo vệ chủ quyền".

Sáu tuần sau, chính quyền thành phố Đông Phương thông báo công ty Sơn Đông sẽ nhận được 322.500 USD trợ cấp cho mỗi chiếc tàu hoạt động tại nơi tranh chấp.

Cuối tháng năm, Việt Nam cáo buộc tàu đánh cá vỏ sắt Trung Quốc đâm húc và làm chìm tàu gỗ loại nhỏ của Việt Nam gần phu vực hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981. Theo lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và lời kể của nạn nhân, tàu Trung Quốc mang số hiệu 11209, chính là tàu cá của công ty Sơn Đông được chính phủ hậu thuẫn.

"Rõ ràng là các tàu cá Trung Quốc đang được khuyến khích đánh bắt trong vùng biển tranh chấp", giáo sư Alan Dupont phân tích. "Tôi nghĩ rằng điều này đã trở thành một chính sách, chứ không chỉ là chuyện nhất thời. Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích ngư dân ra nơi tranh chấp vì lý do địa chính trị cũng như kinh tế và thương mại".

Theo Vũ Hoàng (Reuters/VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm