Trung Quốc thừa nhận tiếp tục quân sự hóa biển Đông

Báo cáo này được đăng trên trang mạng của Cơ quan Dữ liệu và Thông tin hàng hải Quốc gia TQ và trên Nhân Dân Nhật Báo từ ngày 22-12 và được Thời Báo Hoàn Cầu đưa lại ngày 24-12. Báo cáo thừa nhận TQ đã tăng xây dựng và tăng cường hiện diện quân sự, tăng tuần tra ở các đảo và bãi cạn ở biển Đông, thậm chí ngang nhiên cho rằng các dự án này là “hợp lý”. Các hạng mục xây dựng gồm các cơ sở mới dưới lòng đất, các tòa nhà chính quyền, hệ thống radar phủ sóng 290.000 m2 biển Đông. Số liệu này tương đối trùng khớp với báo cáo được công bố hồi 14-12 của tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ.

Báo cáo của TQ cho biết các hành động này giúp hỗ trợ các hoạt động quốc tế như tìm kiếm, cứu nạn, cải thiện đời sống người dân trên các đảo và phục vụ cả cho các mục đích quân sự. Báo cáo cũng ngang ngược thừa nhận việc tăng hiện diện quân sự giúp tăng năng lực phòng thủ. Cũng theo báo cáo này thì TQ đã tăng cường đưa người ra các đảo. Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia Trần Tương Miểu tại Viện nghiên cứu Nam Hải (TQ) dự đoán quy mô tại một số thực thể ở biển Đông trong tương lai sẽ còn được mở rộng, làm lợi cho tuyên bố chủ quyền đơn phương của nước này. Trong khi đó, thực tế là phán quyết về biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan hồi tháng 7-2016 đã bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” dựa trên cái gọi là quyền lịch sử của TQ.

Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.(ảnh chụp ngày 21-4) Ảnh: REUTERS

Báo cáo của TQ gây ra nhiều quan ngại về ý định của nước này trên biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh nước này và ASEAN vừa đạt được một Dự thảo khung về Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) tại Hội nghị ngoại trưởng tháng 8 vừa qua. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - TQ ở Philippines vào tháng 11, các bên đã chính thức khởi động tham vấn và đàm phán nội dung.

Báo cáo hồi 14-12 của CSIS có nhận định rằng vấn đề biển Đông năm nay phần nào bị quốc tế xao lãng vì căng thẳng hạt nhân Triều Tiên. Trong bối cảnh này TQ đã tăng cường lắp đặt các hệ thống radar tần số cao và các cơ sở khác có thể dùng cho các mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo. Theo giới quan sát quốc tế, hoạt động xây dựng và quân sự hóa phi pháp của TQ trên biển Đông không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn làm suy giảm lòng tin và gây phức tạp tình hình khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm