Trung Quốc: Tham nhũng chưa bị chặn từ gốc

“Tôi không thấy hiện tượng tham nhũng trong nội bộ đảng được ngăn chặn từ gốc. Như báo chí gần đây đưa tin về nguyên Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân lợi dụng các công trình xây dựng để đòi hối lộ hàng trăm triệu nhân dân tệ. Điều này cho thấy cuộc sống quá hủ bại!”.

Phó Bí thư Thành ủy TP Thượng Hải, Ủy viên Bộ Chính trị Du Chính Thanh đã phát biểu như trên tại buổi giáo dục đảng hôm 20-6 ở ĐH Giao thông Thượng Hải với 5.000 đảng viên trẻ tham dự.

Theo ông Du Chính Thanh, vấn đề nổi bật nhất phải đối phó hiện nay là khoảng cách thu nhập ngày một lớn và nạn tham nhũng gia tăng. Trong khi đó, như trường hợp của Bộ trưởng Lưu Chí Quân, đến nay chính phủ vẫn chưa công bố chi tiết về mức độ sai phạm và hình thức kỷ luật. Công luận chỉ biết hồi tháng 2, ông này bị bãi chức vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Ngày 24-6, trang web của Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia đã đăng bài viết Đặc điểm mới của hiện tượng tham nhũng Trung Quốc hiện nay và đối sách chống tham nhũng của ông Tân Hướng Dương, Phó Chủ nhiệm ban Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Ủy ban Nghiên cứu chủ nghĩa Mác (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc).

Bài viết vạch ra các đặc trưng chủ yếu của tham nhũng Trung Quốc gồm: Số người liên quan nhiều; những người liên quan dựa dẫm với nhau về mặt chính trị tạo thành mạng lưới gắn kết chặt chẽ; lôi kéo lẫn nhau về mặt kinh tế để tạo thành tập đoàn lợi ích.

Trung Quốc: Tham nhũng chưa bị chặn từ gốc ảnh 1

Chữ tiếng Trung (từ trên xuống): Biếm họa của Trương Tân. “Tao yêu mày hơn cả yêu gạo”. Ảnh: 163.com

Bài viết nhìn nhận cơ chế chống tham nhũng của Trung Quốc hiện tồn tại hai vấn đề lớn: Cơ chế quá nhiều trong khi tính chặt chẽ trong nội bộ cơ chế và giữa các cơ chế với nhau quá ít; biện pháp thực hiện cơ chế chưa triệt để.

Trong bài viết, ông Tân Hướng Dương ủng hộ cơ chế khai báo tài sản mà dư luận đang đề cập. Tuy nhiên, trong buổi họp báo do Văn phòng Tuyên truyền đối ngoại tổ chức vào ngày 22-6, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Ngô Ngọc Lương cho biết cơ chế khai báo tài sản khó thực hiện vì thiếu hai điều kiện là hệ thống thành tín (khai báo thành thật) và hệ thống thống kê thông tin xã hội.

Theo thống kê của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, năm 2010, hơn 1,67 triệu cán bộ lãnh đạo đảng khai báo các việc cá nhân như tình hình nhà ở, đầu tư, công việc của vợ (chồng) và con cái. Ủy ban đã xử lý cảnh cáo 1.581 người. Tuy nhiên, do nội dung cụ thể mà cán bộ khai báo không được công khai nên công luận không biết rõ 1.581 cán bộ nói trên vi phạm cái gì.

146.517 cán bộ bị xử lý do vi phạm kỷ luật trong năm 2010, trong đó có 5.273 người được giao cho cơ quan tư pháp xử lý. Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Ngô Ngọc Lương công bố số liệu trên trong buổi họp báo ngày 22-6. Còn theo số liệu công bố trên trang web của Cục Phòng chống tham nhũng quốc gia, trong năm 2009 đã điều tra làm rõ hành vi phạm tội của 31 cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với số tiền phạm tội 3,4 tỉ nhân dân tệ (10.832 tỉ đồng VN).

HOÀNG HẠNH (Theo ifeng.com, zaobao.com)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm