Trung Quốc thách thức Mỹ về an ninh mạng

“Mỹ lâu nay rất quan tâm về tình trạng đe dọa an ninh mạng, nhất là tin tặc, mà trong đó một số vụ có liên quan đến chính phủ và quân đội Trung Quốc”.

Các cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc dùng tin tặc để tấn công vào chính phủ và các doanh nghiệp chủ chốt của Mỹ đã diễn ra dai dẳng từ năm 2009 đến nay.

Các thông tin trái chiều

Cuối tháng 5-2013, các chuyên gia thuộc Ủy ban Khoa học Quân sự Mỹ (DSB) đã báo cáo rằng tin tặc có xuất xứ từ Trung Quốc đã tấn công kho dữ liệu của hơn 20 hệ thống vũ khí tối tân của Mỹ, gồm hệ thống tên lửa Patriot, hệ thống chống tên lửa Aegis của hải quân, máy bay tiêm kích F-35, máy bay chiến đấu F/A-18,… Đứng trước sự cáo buộc này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh bình thản bác bỏ. Ông một mực khẳng định: “Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thiết kế các loại vũ khí cần thiết cho an ninh quốc gia”. Và tàu Liêu Ninh là bằng chứng cho việc Trung Quốc hoàn toàn có thể lĩnh hội công nghệ đã có của nước ngoài chứ không cần ăn cắp công nghệ vũ khí của Mỹ để hiện đại hóa quân đội.

Tình hình càng trầm trọng hơn khi cũng trong năm nay Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã công bố một báo cáo cho hay 26% các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc là nạn nhân của các cuộc ăn cắp dữ liệu thương mại. Một báo cáo công bố tháng 5 của Ủy ban Về các hành vi trộm cắp về sở hữu trí tuệ của Mỹ ước tính nền kinh tế Mỹ đã chảy máu 300 tỉ USD mỗi năm từ các hoạt động bất hợp pháp như vậy, trong đó Trung Quốc bị cáo buộc là thủ phạm chính.

Trung Quốc thách thức Mỹ về an ninh mạng ảnh 1

Ngoài ra, bản báo cáo dài 74 trang của công ty an ninh mạng hàng đầu của Mỹ Mandiant hồi tháng 2 đã tiết lộ rằng các nhóm hacker đã đột nhập các tờ báo Mỹ, cơ quan chính phủ và nhiều công ty Mỹ ở Trung Quốc, đánh cắp “hàng trăm terabyte” thông tin. Trước mối lo ngại về an ninh mạng, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định với các nhà báo: “Chúng ta cần phải tìm ra các phương tiện để xây dựng được các quy tắc ứng xử (trong an ninh mạng) khi làm việc với Trung Quốc và tất cả các nước”.

Tại ải, tại ai?

Nối tiếp tư tưởng “phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào, “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình sẽ buộc Trung Quốc phải mạnh mẽ hơn bằng cách khẳng định thế mạnh của mình trên tất cả lĩnh vực. Với Trung Quốc, “xây” bắt đầu từ “phá”. Để xây dựng nền công nghệ mạnh, Bắc Kinh đã chọn cách phá hỏng nền công nghệ của Mỹ.

Hiện nay, cạnh tranh Trung-Mỹ ngày càng gia tăng với việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương trong khi Trung Quốc đang sử dụng biển Đông để làm bàn đạp hòng độc chiếm Thái Bình Dương và xa hơn là tham vọng ảnh hưởng sang cả Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh đó, những “lời qua tiếng lại” hay “tiếng bấc tiếng chì” giữa Bắc Kinh và Washington lại mang nhiều hàm ý cho an ninh khu vực.

Khi mà “hợp tác và cạnh tranh đan xen” hay “phát triển hòa bình” vẫn là các ngôn từ thường thấy trên các mặt báo, trong đó đề cập đến nỗ lực thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ thì vấn đề bê bối an ninh mạng của Bắc Kinh như “con sâu làm rầu nồi canh” và khiến quan hệ song phương vấp phải nhiều trở ngại.

Về cơ bản, Bắc Kinh cho rằng các cáo buộc của Mỹ là khá võ đoán và Mỹ đang âm mưu “lập lờ đánh lận con đen” bằng cách chơi trò đổ lỗi. Các tướng lãnh Trung Quốc cho đây là một trong những chiến thuật của Mỹ nhằm kiềm tỏa sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Khi gán ghép các mác “hiếu chiến”, “tham vọng”, “hacker”… cho Trung Quốc, Mỹ muốn định hướng dư luận về một Trung Quốc đang mất “nhân hòa”. Việc niềm tin của dư luận thế giới về Trung Quốc giảm sút trầm trọng sẽ tạo điều kiện cho Mỹ đẩy mạnh các chiến lược của mình. Hay nói cách khác, bằng việc chủ động tạo căng thẳng, Mỹ sẽ có cơ hội thực hiện các động cơ chính trị ngầm.

Tuy nhiên, trái với các phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc, Mỹ cho rằng việc gây mất ổn định về mạng, xâm nhập các cơ quan an ninh của Mỹ và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cho nước này nằm trong chiến lược mới của Trung Quốc. Các biện pháp phá giá đồng nhân dân tệ, gây ảnh hưởng kinh tế - chính trị với các quốc gia châu Phi, dọa nạt ASEAN để chiếm biển Đông vẫn chưa đủ. Cùng với đất liền và biển cả, Trung Quốc đã xem mạng Internet là nơi mà Trung Quốc khẳng định mình.

HUỲNH TÂM SÁNG (Irys)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm