Trung Quốc thách đố phán quyết trọng tài

Tân Hoa xã đưa tin Tòa án tối cao Trung Quốc quy định từ ngày 2-8, tàu cá nước ngoài bị bắt quả tang đánh bắt trái phép trong “lãnh hải Trung Quốc” mà từ chối rời đi hoặc tiếp tục quay trở lại sau khi đẩy đuổi hoặc bị phạt tiền hồi năm trước thì sẽ bị xem là phạm tội hình sự nghiêm trọng, có thể bị tuyên án một năm tù hoặc bị xử phạt.

Mức phạt tương tự cũng áp dụng với người thu hoạch san hô hoặc động vật bị đe dọa tuyệt chủng trong “lãnh hải Trung Quốc”.

Tòa án tối cao Trung Quốc còn ngang ngược tuyên bố quy định này được áp dụng trên các vùng biển của Trung Quốc gồm biển Đông và biển Hoa Đông.

Đối với tàu cá Trung Quốc, quy định mới đưa ra các hình thức xử phạt nặng như cấm xuất bến hoặc truy tố chủ tàu hoặc thuyền viên.

Reuters cho rằng quy định này được áp dụng đối với các khu vực Trung Quốc có quyền tài phán gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đẩy đuổi ngư dân Philippines đến bãi cạn Scarborough. Ảnh: asiamaritime.net

AFP ghi nhận chẳng những Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài mà còn đưa ra quy định vô lý trừng phạt ngư dân đánh bắt trong khu vực tranh chấp.

Phản ứng với quy định này, ngày 2-8 (giờ địa phương), trang tin The New American (Mỹ) nhận định đây là một cách Trung Quốc thách đố phán quyết trọng tài.

Báo The Times of India (Ấn Độ) viết xem ra Trung Quốc mượn quyết định của Tòa án tối cao nước này làm vỏ bọc pháp lý cho hải quân tiến hành hành động xâm chiếm biển Đông.

Báo nhận định quy định này cũng hỗ trợ ngư dân Trung Quốc tiếp tục xâm phạm lãnh hải các nước ven biển Đông để đánh cá trái phép.

Các nhà phân tích đánh giá quy định của Trung Quốc không chỉ trái ngược với phán quyết trọng tài mà còn bộc lộ tham vọng muốn trở thành trung tâm pháp lý hàng hải.

Các nhà phân tích dự báo căng thẳng có thể gia tăng nếu Trung Quốc vận dụng quy định mới với cả tàu chiến nước ngoài.

Báo The Straits Times (Singapore) dẫn lời chuyên viên về quan hệ đối ngoại Trung-Mỹ ở ĐH Phục Đán (Thượng Hải) Thẩm Đình Lập đánh giá khả năng căng thẳng gia tăng rất thấp.

Ông cho rằng: “Thứ nhất vì Mỹ có quá nhiều tàu quân sự có thể luân phiên tiến vào và rời khỏi vùng 12 hải lý nên không vi phạm luật của Trung Quốc. Thứ hai, nếu Trung Quốc bắt giữ tàu quân sự nước ngoài trong lãnh hải của họ, họ cũng biết rõ động thái này có thể gây bùng nổ xung đột vũ trang”.

GS Phó Côn Thành, Chủ nhiệm Viện Nam Hải thuộc ĐH Hạ Môn (Trung Quốc), cho rằng Tòa án tối cao Trung Quốc muốn gỡ cho chính quyền địa phương khỏi lúng túng bằng cách lập ra một chính sách tầm quốc gia qua quy định xử phạt tàu cá.

Trả lời đài truyền hình CNN, GS luật Michael C. Davis ở ĐH Hong Kong nhận xét quy định của Tòa án tối cao Trung Quốc là một gợi ý đáng ngại. Ông cảnh báo ngư dân Philippines có thể bị tàu Trung Quốc bắt giữ và bị truy tố hình sự.

Ngày 3-8, Philippines đã yêu cầu các ngư dân nên định hướng rõ ràng khu vực đánh bắt ở biển Đông để tránh bị chính quyền Bắc Kinh quấy rối. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố nếu phán quyết của Tòa Trọng tài đã rõ ràng thì thực tế tại hiện trường lại khác.

Khi được hỏi vậy ngư dân Philippines có định tránh bãi cạn Scarborough hay không, người phát ngôn nói điều này cần phải làm vì sự an toàn của mọi người. Năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines. Từ đó, ngư dân Philippines đến khu vực này đánh bắt đều bị đẩy đuổi.

Chúng tôi ý thức Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough, vậy thì chúng tôi sẽ chờ cho rõ ràng hơn về cách thức ngư dân của chúng tôi có thể đến đó mà không bị quấy rối thêm nữa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines CHARLES JOSE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm