Trung Quốc tạo ảnh hưởng với Myanmar

“Bản thân tôi và Bộ trưởng Ngoại giao Suu Kyi đã đạt được đồng thuận rằng mọi vấn đề đều có thể tìm được giải pháp thích hợp thông qua tham vấn hữu nghị”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Vương Nghị đã phát biểu như trên tại cuộc họp báo sau hội đàm với người đồng cấp Myanmar Aung San Suu Kyi tại thủ đô Naypyitaw hôm 5-4.

Tân Hoa xã đưa tin ông Vương Nghị thăm chính thức Myanmar theo lời mời của bà Suu Kyi. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên của bà Suu Kyi sau khi giữ chức bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Vương Nghị phát biểu TQ và Myanmar có quan hệ thương mại và kinh tế chặt chẽ và đương nhiên đã xảy ra một số vấn đề.

Ông nhấn mạnh hai nước đang ở điểm xuất phát mới và TQ tin rằng có thể giải quyết các bất đồng thương mại với Myanmar thông qua thương thảo.

Ông chìa ra “củ cà rốt” rằng nếu chính phủ mới ở Myanmar muốn phát triển kinh tế, TQ sẵn sàng đầu tư hơn nữa vào Myanmar, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng.

Ông hứa hẹn: “Chúng tôi sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp TQ hoạt động tại Myanmar tuân thủ luật pháp Myanmar, tôn trọng phong tục địa phương, chú ý bảo vệ môi trường… và hoàn thành trách nhiệm với xã hội”.

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu Myanmar không quên sự ủng hộ và giúp đỡ của TQ. Bà khẳng định chính phủ mới của Myanmar sẵn sàng trao đổi với TQ để phát triển quan hệ song phương và hợp tác kinh tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và người đồng cấp Myanmar Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw hôm 5-4. Ảnh: AP

Reuters ghi nhận dù ông Vương Nghị không nêu rõ dự án nào nhưng TQ muốn nối lại dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD.

TQ vốn là đồng minh thân cận của Myanmar. Năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã chọc tức Bắc Kinh khi dừng dự án xây đập Myitsone do tổng thầu TQ thực hiện năm năm trước vì người dân phản đối. Dự kiến dự án này sẽ cung cấp 90% công suất điện cho TQ.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu của TQ ngày 6-4 đã đăng bài bình luận hy vọng dự án đập Myitsone sẽ được nối lại. Báo ca ngợi “một đất nước Myanmar ổn định với các chính sách quốc gia có thể dự kiến được là rất phù hợp với các lợi ích quốc gia của TQ”.

Trong khi đó, trên trang web Diễn đàn Đông Á (Úc), GS Atsuko Mizuno ở ĐH Kyushu (Nhật) nhận định TQ và Nhật đang tranh nhau nhảy vào các đặc khu kinh tế ở Myanmar.

Myanmar có ba đặc khu kinh tế gồm Kyaukphyu ở bang Rakhine, Thilawa ở vùng Yangon và Dawei ở vùng Tanintharyi.

TQ đầu tư chủ yếu ở đặc khu kinh tế Kyaukphyu và xem đây là yếu tố chiến lược về an toàn năng lượng.

Thay cho đường biển qua eo biển Malacca, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia TQ xây đường ống dẫn dầu khí nối liền đặc khu Kyaukphyu bằng đường bộ đến tỉnh Vân Nam.

Dự án này đang bị chậm lại vì nghi vấn về hiệu quả thương mại và dân chúng phản đối.

Đối với Nhật, quan hệ hợp tác kinh tế với Myanmar bắt đầu phát triển bước ngoặt sau chuyến thăm Nhật của Tổng thống Thein Sein hồi tháng 4-2012. Hai bên đã ký kết bản ghi nhớ về phát triển đặc khu kinh tế Thilawa.

Đặc khu được khởi công xây dựng năm 2013, đi vào hoạt động từ tháng 9-2015 và đang là đặc khu thành công nhất ở Myanmar.

Ngoài ra, Nhật cũng đã tham gia xây dựng đặc khu kinh tế Dawei cùng với Myanmar và Thái Lan. Trong khi đó, TQ đã lập một tổ hợp nhiều doanh nghiệp công và tư tham gia các dự án cơ sở hạ tầng của Dawei, trong đó có ba cảng nước sâu và 132 km đường bốn làn xe nối Dawei với Kanchanaburi ở Thái Lan.

Hãng tin Bloomberg đưa tin để bày tỏ thiện chí với TQ, chính phủ Myanmar đã đồng ý cho Công ty Năng lượng Chấn Nhung Quảng Đông (doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát) xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 3 tỉ USD trong đặc khu kinh tế Dawei. Nhà máy đạt công suất khai thác 5 triệu tấn dầu thô mỗi năm.

___________________________

Tôi nghĩ rằng TQ sẽ tiếp tục là bạn tốt của Myanmar.

Bộ trưởng Ngoại giao AUNG SAN SUU KYI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm