Trung Quốc sẽ xây đảo sau hội nghị G20

Úc sẽ giữ vai trò liên đới rất gần gũi với Mỹ nếu chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ.

Ông David C. Gompert, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (năm 2009-2010), đã đưa ra nhận định như trên sau khi tiếp cận báo cáo của tổ chức nghiên cứu chính sách RAND Corporation ở Washington.

Báo cáo dày 115 trang đã xem xét các viễn ảnh sẽ xảy ra nếu chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ.

Báo cáo của RAND Corporation có đoạn: “Căn cứ vào nguyên nhân và định hướng của xung đột, nhiều nước Đông Á sẽ hợp tác với Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau, từ ủng hộ cho đến cho phép sử dụng căn cứ (ví dụ như Úc, New Zealand, Philippines)”.

Phát biểu trên đài truyền hình ABC News ngày 15-8, ông David C. Gompert đánh giá Úc là đồng minh thân cận lâu đời với Mỹ. vì vậy Úc có thể giữ vai trò then chốt nếu chiến tranh Mỹ-Trung bùng nổ.

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc áp sát tàu cá Philippines tại bãi cạn Scarborough. Ảnh: YOUTUBE

Ông ghi nhận trong trường hợp chiến tranh Mỹ-Trung xảy ra, Úc có thể góp sức bằng nhiều hình thức như ủng hộ Mỹ về hậu cần để giúp lực lượng Mỹ rảnh tay tham chiến.

Đài truyền hình ABC News ghi nhận tuần rồi, sau thông tin Bắc Kinh bắt đầu xây dựng nhà để máy bay trên một số đảo nhân tạo ở biển Đông, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 13-8 đã đăng một bài viết rất đáng chú ý.

Báo dẫn nguồn tin biết rõ hồ sơ cho hay Trung Quốc có thể làm thay đổi lớn tình hình nguyên trạng trên biển Đông bằng cách bồi đắp xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough vốn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Nguồn tin phân tích hoạt động trên sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ giữa đầu tháng 9 sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8-11. Đây là thời điểm thuận lợi nhất.

Nguồn tin ghi nhận từ nay đến khi hội nghị G20 diễn ra, Bắc Kinh sẽ cố gắng kiềm chế các hành vi khiêu khích vì hòa bình trong khu vực sẽ là chủ đề thảo luận trong hội nghị G20.

Trên tạp chí National Interest ngày 14-8 (giờ địa phương), chuyên gia Harry J. Kazianis ở Trung tâm Vì lợi ích quốc gia tại Washington, D.C. nhận định Trung Quốc đang muốn gây sức ép với Philippines.

Các hình thức gây sức ép gồm tung tin Trung Quốc có khả năng xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough, triển khai nhiều tàu đến bãi cạn này hay điều động nhiều máy bay, trong đó có máy bay ném bom H-6K và máy bay tiêm kích Su-30đến khu vực này.

Trung Quốc muốn dọa rằng Trung Quốc sẵn sàng hành động chứ không nói suông để Philippines phải đàm phán với Trung Quốc ở thế yếu và phải chấp thuận các điều kiện của Trung Quốc về giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông.

Sức ép được Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos với tư cách đặc phái viên của tổng thống về biển Đông đã sang Hong Kong nhằm phá băng quan hệ với Trung Quốc.

Ngoài ra, nguồn tin cũng giải thích với báo South China Morning Post vào lúc này, Tổng thống Obama đang bận bịu lo việc đối nội trước bầu cử tổng thống trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Do đó, Tổng thống Obama có thể không có thời gian chú ý đến các vấn đề an ninh khu vực. Chính vì vậy Trung Quốc sẽ khai thác tình hình chính trị của Mỹ để chọn thời điểm hành động thích hợp ở bãi cạn Scarborough.

Báo Inquirer của Philippines ngày 15-8 đưa tin Đại sứ Rosario Manalo, đại diện Philippines tại Ủy ban Nhân quyền liên chính phủ của ASEAN, đã ủng hộ Philippines đàm phán với Trung Quốc. Bà đánh giá dù hai nước chưa sẵn sàng từ bỏ yêu sách chủ quyền nhưng hai bên vẫn có thể thỏa thuận hợp tác về đánh bắt cá, khai thác dầu khí. Quá trình đàm phán có thể kéo dài 5-15 năm nhưng quan trọng là giữ hai bên nói chuyện thay vì đấu nhau.

____________________________

Ý chí chính trị của Trung Quốc và Philippines là chìa khóa giải quyết tranh chấp trên biển Đông.

Đại sứ ROSARIO MANALO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm