Trung Quốc sẽ ký COC theo kiểu nào?

Trung Quốc sẽ không chấp thuận đề xuất tạm dừng xây dựng ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông, sẽ đưa thêm nhiều giàn khoan ra biển Đông đồng thời gia tăng hoạt động nạo vét ở các bãi cạn và bãi đá.

GS Zachary Abuza tại ĐH Simmons (Mỹ) nhận định như trên trong bài viết đăng trên trang web ngày 3-7 của tạp chí Diễn đàn Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ bảo trợ phát hành).

Ông nhận định: “Tôi không thấy căng thẳng trong khu vực giảm leo thang mà chỉ thấy chiều hướng tăng lên. Tôi dự đoán Trung Quốc sẽ ngày càng khiêu khích hơn, gia tăng sự hiện diện ở bãi cạn Scarborough và nạo vét không chỉ ở Gạc Ma. Tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục bành trướng dọc theo đường chín đoạn”.

Ông cảnh báo Trung Quốc sẽ trắng trợn đưa thêm nhiều giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam và ông không ngạc nhiên nếu Trung Quốc ngang nhiên mời các nhà đầu tư nước ngoài đấu thầu các lô thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.

Binh sĩ Philippines tham gia tập trận chung với hải quân Mỹ trên biển Đông hôm 29-6. Ảnh: GETTY IMAGES.

Ông đánh giá thấp khả năng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông có ý nghĩa ràng buộc mạnh.

Ông dự báo nếu thực sự muốn ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), Trung Quốc sẽ yêu cầu các nước ASEAN làm yếu đi nội dung của bộ quy tắc này. Đồng thời Trung Quốc cũng sẽ liều lĩnh tạo ra các thực tế mới trên thực địa (ở biển Đông) bất chấp bất cứ thỏa thuận nào.

Để Trung Quốc thay đổi cách hành xử trên biển Đông, cần phải có nỗ lực phối hợp của nhiều nước. Nếu Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines không đồng lòng và hành động nhanh chóng, Trung Quốc sẽ ngày càng liều lĩnh và hung hăng hơn.

GS Zachary Abuza nhận xét: “Không nước nào (trong khu vực) muốn và có thể đối đầu quân sự ngang ngửa với Trung Quốc. Vậy nên công cụ hiệu quả nhất mà các nước có là ngoại giao và pháp quyền”.

ông giải thích, nguyên nhân Trung Quốc hành xử như vậy vì giới lãnh đạo bị chủ nghĩa dân tộc trong nước thúc đẩy, nhà cầm quyền cần dân ủng hộ để duy trì quyền lực. Để làm được như vậy, Trung Quốc buộc phải duy trì tăng trưởng GDP ở mức 7%-8%/năm.

Ông lưu ý trong khu vực, quan hệ giữa Nhật, Philippines, Indonesia và Việt Nam đang ngày càng phát triển, ba nước Việt Nam, Philippines và Indonesia đều muốn Nhật đóng vai trò lớn hơn trong an ninh hàng hải ở biển Đông.

Hiện nay, ba nước trên đều có quan hệ quân sự và thực thi pháp luật biển khăng khít với Nhật. Như vậy có thể tổ chức tập trận ba bên gồm Nhật, Mỹ và một trong ba nước. Tập trận ba bên như vậy dễ chấp nhận hơn tập trận song phương giữa Nhật và từng nước kể trên.

Ông nhấn mạnh bất kỳ mưu đồ đơn phương nào nhằm đe dọa tự do hàng hải ở biển Đông phải bị phản đối ngay lập tức và mạnh mẽ.

THẠCH ANH

Báo Sydney Morning Herald (Úc) ngày 3-7 dẫn lời GS Thời Ân Hoằng ở ĐH Nhân dân Trung Quốc nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược an ninh như hiện nay bởi chủ nghĩa dân tộc và động lực từ bên trong quân đội Trung Quốc thúc đẩy. Ông cho rằng căng thẳng Trung-Mỹ cũng như giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ sẽ ngày càng tệ hơn. Theo ông, điều tự nhiên xảy ra là Úc và Ấn Độ hợp tác lập liên minh chiến lược với các nước khác, trong đó có Nhật và Mỹ để đối phó trước tình hình hải quân Trung Quốc bành trướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm