Trung Quốc sắp kéo giàn khoan nặng 100.000 tấn ra Biển Đông

Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ngày 29-5 cho biết các công đoạn lắp đặt giàn khoan "Biển Sâu số 1" do công ty này sản xuất đã hoàn tất và giàn khoan sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 6 này, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin.

Theo CNOOC, "Biển Sâu Số 1" sẽ là giàn khoan đầu tiên trên thế giới nặng tới hơn 100.000 tấn.

Giàn khoan "Biển Sâu số 1". Ảnh: CFP

CNOOC cho biết giàn khoan “Biển sâu số 1” sẽ được kéo ra khu vực mỏ khí Lăng Thủy ở độ sâu khoảng 1.500 mét, nằm cách đảo Hải Nam về phía đông nam khoảng 150 km, trong đầu tháng 6 và bắt đầu khai thác trong cùng tháng.

“Biển Sâu số 1”, hiện trong quá trình kiểm tra vận hành lần cuối, ước tính mỗi năm có thể khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên.

Khu vực mỏ khí Lăng Thủy bao gồm các lô dầu khí Lăng Thủy 17-2, Lăng Thủy 25-1, Lăng Thủy 18-1 và Lăng Thủy 18-2. 

CNOOC chính thức bắt đầu công việc xây dựng cơ bản của mỏ khí Lăng Thủy vào năm 2018. 

Từ tháng 6-2020, CNOOC đã tiến hành khoan giếng khai thác đầu tiên trong tổng số 11 giếng cần khoan tại lô Lăng Thủy 17-2.

Công ty này ước tính sau khi đi vào hoạt động, lô Lăng Thủy 17-2 sẽ cung cấp 25% khí đốt hàng năm cho khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Macau, và sẽ trở thành một trung tâm năng lượng mới ở khu vực Biển Đông.

CNOOC là công ty dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc và là nhà khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi lớn nhất của nước này.

Giàn khoan Hải Dương 981 là một trong những tài sản thuộc sở hữu của công ty này, trước đó đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi năm 2014.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã liên tục phát triển các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Đông. Không ít lần các giàn khoan này và tàu khảo sát địa chất được sử dụng như công cụ thúc đẩy yêu sách hàng hải vô lý Bắc Kinh đưa ra trong khu vực.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đối với các hoạt động ở Biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như phản đối bất kỳ nước nào xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm