Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng

Theo tờ Reuters, vào 3 giờ 30 sáng 24-11 theo giờ Hà Nội, tại trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở tình Hải Nam (Trung Quốc), tên lửa đẩy lớn nhất Trung Quốc Long March-5 đã mang theo tàu vũ trụ không người lái Chang’e-5 ra khỏi trái đất hướng tới mặt trăng.

Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tên lửa đẩy đã bay gần 37 phút trước khi đưa tàu vũ trụ đi vào quỹ đạo dự kiến.

Nhiệm vụ của Chang’e-5 sẽ bao gồm thu thập 2 kg mẫu vật từ mặt trăng nhằm giúp các nhà khoa học hiểu thêm về nguồn gốc và sự hình thành của mặt trăng. Nhiệm vụ này được xem như một phép thử trước khi thực hiện các nhiệm vụ tiến xa hơn vào không gian của Trung Quốc.

Tàu vũ trụ không người lái Chang'e-5 chuẩn bị rời khỏi bề mặt trái đất. Ảnh: XINHUA

Theo dự kiến, khi tàu vũ trụ đi vào quỹ đạo mặt trăng, Chang’e-5 sẽ triển khai hai phương tiện trên bề mặt mặt trăng bao gồm một trạm đổ bộ và một phương tiện cất cánh. 

Quá trình hạ cánh sẽ diễn ra trong khoảng tám ngày. Tàu thăm dò dự kiến sẽ ở bề mặt mặt trăng trong khoảng hai ngày. Trước đó, toàn bộ sứ mệnh được dự kiến sẽ kéo dài trong 28 ngày.

Theo kế hoạch thu thập mẫu vật, trạm đổ bộ sẽ khoan bề mặt mặt trăng và lấy mẫu vật gồm lớp đất, đá. Sau đó, mẫu vật sẽ được chuyển đến phương tiện cất cánh đưa ra khỏi bề mặt và tiến tới quỹ đạo mặt trăng. Tại đây, mẫu vật sẽ được chuyển giao vào khoang hồi quyển, được đưa về trái đất và hạ cánh tại khu vực Nội Mông, Trung Quốc.

Nếu sứ mệnh được hoàn thành như kế hoạch, Trung Quốc sẽ là quốc gia thứ ba có được mẫu vật thu thập trên mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô.

Ông Matt Siegler, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học Hành tinh tại bang Arizona, Mỹ cho biết khu vực núi lửa Mons Rumker trên mặt trăng, nơi tàu vũ trụ Chang’e-5 lấy mẫu vật có tuổi đời từ 1 tỉ -2 tỉ năm tuổi.

“Khu vực đó có tuổi đời rất trẻ, các mẫu vật chúng tôi thu thập được hầu hết đều từ 3,5 tỉ năm tuổi trở lên”- ông Siegler cho biết thêm.

Trước đó, cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về mẫu vật thu thập được trên mặt trăng như các sứ mệnh Apollo của NASA trước đó đã làm.

Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết họ sẽ tiết lộ với cộng đồng quốc tế về cách xử lý các mẫu lớp đất mặt của mặt trăng sau khi Chang’e-5 hoàn thành sứ mệnh và trở về trái đất.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm