Trung Quốc phản bác 'gắt' báo cáo của Mỹ về vấn nạn buôn người

Hãng AP đưa tin Trung Quốc ngày 2-7 đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ về việc không ngăn chặn được nạn buôn người, tuyên bố rằng Washington “không có quyền chỉ trích khi trong lịch sử đã phân biệt chủng tộc”. 

Phát biểu tại họp giao ban hàng ngày hôm 2-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân cho biết: “Chúng tôi kiên quyết phản đối những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên những lời nói dối và tin đồn”. 

Trung Quốc phản bác 'gắt' báo cáo của Mỹ về vấn nạn buôn người. Ảnh: AP

Ông Uông cáo buộc Washington "bôi nhọ Trung Quốc" và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

“Mỹ không có tư cách để đưa ra các lời chỉ trích về nhân quyền” – ông Uông nói.

Vị quan chức Trung Quốc đã trích dẫn sự phân biệt đối xứ của người Mỹ đối với người da đen và người Mỹ da đỏ, đồng thời cáo buộc rằng “rất ít người bị buôn bán sang Mỹ để lao động cưỡng bức đã được giải cứu”.

“Những gì Mỹ cần là phản ánh và sửa chữa những vi phạm nhân quyền của chính họ như tội diệt chủng, phân biệt chủng tộc và lao động cưỡng bức” – ông Uông tuyên bố.

Phát ngôn của ông Uông là phản ứng trước "Báo cáo Nạn buôn người năm 2021" do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 1-7.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 1-7 đã công bố báo cáo thường niên về nạn buôn người, cho biết ước tính gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của vấn nạn này.

Theo báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp hạng Trung Quốc vào danh sách Bậc 3 bao gồm các quốc gia không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu để ngăn chặn nạn buôn người, căn cứ theo Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người (TVPA) năm 2000. 

Danh sách Bậc 3 cũng bao gồm các nước Guinea-Bissau, Malaysia, Afghanistan, Algeria, Trung Quốc, Comoros, Cuba, Eritrea, Iran, Myanmar, Nicaragua, Triều Tiên, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.

Ngoài ra, báo cáo nêu rõ rằng đại dịch COVID-19 đã "tạo ra các điều kiện làm gia tăng số người có nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người và làm gián đoạn các hoạt động can thiệp chống buôn người hiện có và đã được lên kế hoạch".

"Các chính phủ trên toàn thế giới chuyển hướng nguồn lực cho đại dịch, nhưng thường gặp bất lợi trong nỗ lực chống buôn người" – báo cáo nêu.

"Đồng thời, những kẻ buôn người nhanh chóng thích nghi để tận dụng các lỗ hổng được bộc lộ trong tình hình đại dịch và hiện đang trầm trọng hơn" - báo cáo nêu thêm.

Bà Kari Johnstone - quyền giám đốc Văn phòng giám sát và chống nạn buôn người -  cho biết sự kết hợp của các yếu tố trên đã "dẫn đến một môi trường lý tưởng cho nạn buôn người nhen nhúm và phát triển".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm