Trung Quốc ngụy tạo sự chính danh ở biển Đông

Trong khi thế giới đang đối mặt cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thì cùng lúc xuất hiện một “cuộc chiến” khác: Biển Đông. Trung Quốc (TQ) tìm cách lấn chiếm rồi dần dần độc chiếm biển Đông. Quan trọng không kém, Bắc Kinh muốn ép buộc (phần đông) thế giới tin rằng nước này có tư cách can dự khu vực, bằng cách cố gắng ngụy tạo tính chính danh ở biển Đông.

Việc Trung Quốc ngụy tạo sự chính danh…

Để thuyết phục người dân trong nước và thế giới tin mình, TQ đã ngụy tạo bằng chứng. Câu chuyện lịch sử mà Bắc Kinh dựng lên theo môtíp “người TQ xác lập chủ quyền ở biển Đông từ nhiều thế kỷ trước”, kèm theo bản đồ giả, đồ cổ giả (do TQ tự đổ xuống biển rồi vớt lên) đã không có tác dụng. Thậm chí, trò tự vẽ lịch sử bằng ngụy tạo khảo cổ này đã bị vạch trần trước công luận quốc tế.

Vậy nên TQ chuyển qua chiến lược ngụy tạo tính chính danh của họ bằng những câu chuyện có vẻ gần gũi với đời sống xã hội hiện đại hơn. Hôm 19-4, Bộ Tài nguyên thiên nhiên cùng với Bộ Dân chính TQ công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể dưới đáy biển ở biển Đông. Nói nôm na, TQ đặt tên chính thức cho các thực thể vốn không thuộc quyền sở hữu của họ. Ủy ban Địa danh TQ trước đó (tháng 4-1983) công bố cái gọi là “Địa danh tiêu chuẩn một số đảo ở Nam Hải”.

Cuối tuần trước, truyền thông nhà nước TQ tuyên bố chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn việc thành lập hai quận đảo, bao gồm quận Tây Sa và Nam Sa (trực thuộc TP Tam Sa) để quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

TQ gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hai công hàm số CML/14/2019 và số CML/11/2020. Trong đó, TQ khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), quần đảo Đông Sa (đảo Pratas), quần đảo Trung Sa (bãi ngầm Maclesfield). Bắc Kinh tái diễn luận điểm các quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa mở rộng, đồng thời họ tự bao biện cho yêu sách phi pháp bằng “quyền lịch sử”. TQ không thừa nhận phán quyết Tòa Trọng tài 2016, đồng thời yêu cầu Ủy ban Ranh giới ngoài của thềm lục địa không xem xét hồ sơ đệ trình của Malaysia.

Hải quân Mỹ tập huấn cùng với hải quân Ấn Độ ở vịnh Bengal. Ảnh: WSJ 

… sẽ thất bại

Không còn nghi ngờ gì nữa, TQ đang bước vào giai đoạn thể chế hóa những hành vi phi pháp của họ ở biển Đông - dù đó là một “thể chế ngụy tạo” nhằm tìm kiếm sự chính danh không được chấp nhận. Theo đó, Bắc Kinh muốn ở biển Đông cũng có thành phố, quận, và các cơ sở dân sinh như đất liền; thế nên tạo ra bộ máy hành chính, đặt tên chính thức cho các đơn vị, đưa hạ tầng… ra đây. Tuy nhiên, tất cả là để che đậy hoạt động quân sự hóa trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường biển.

Các vùng biển TQ chiếm đóng, cải tạo thực tế là các tiền đồn quân sự, nơi hệ sinh thái biển bị phá hủy nặng. Giới chính trị gia và nghiên cứu khoa học biển đã không ngừng lên án TQ là cường quốc (nhưng) vô trách nhiệm.

Về mặt pháp lý, TQ là một thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nên dù muốn hay không TQ phải tuân thủ. Phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 phủ định yêu sách “đường lưỡi bò”, bác bỏ “quyền lịch sử” của TQ, phủ nhận lập trường về quy chế EEZ và thềm lục địa mở rộng ở Trường Sa. TQ thua trắng và tính chính danh mà TQ ngụy tạo cũng phi pháp. Nói cách khác, lập quận đảo hay đặt tên chính thức đều không có giá trị pháp lý.

TQ cũng dùng mọi cách để “tạo ra sự đã rồi” trên thực địa nhằm góp phần duy trì sự chính danh ngụy tạo. Từ năm 2013, TQ đẩy mạnh bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo. Họ theo dõi và sẵn sàng chớp thời cơ chiếm thêm bất kể thực thể nào ở biển Đông nếu nước khác lơ là hoặc xuất hiện khoảng trống quyền lực.

Để bảo vệ sự chính danh ngụy tạo ở biển Đông, ngoài cuộc chiến pháp lý, thông tin (tuyên truyền), TQ cũng tiến hành cuộc chiến tâm lý. Họ tăng cường đe dọa, bắt nạt tàu, thuyền, máy bay dân sự, quân sự các nước trong và ngoài biển Đông. Mục tiêu tối thượng TQ đặt ra: Các nước trong khu vực phải sợ, các nước bên ngoài phải rời đi. Việc cho tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam, đưa nhóm tàu đầy tranh cãi Địa chất hải dương 8 vào biển Đông cùng việc “bày trận” dân quân biển gần đây là những minh chứng rõ ràng nhất.

Không một quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền (hoàn toàn và tuyệt đối) đối với các thực thể trên biển trừ khi chúng nằm trong phạm vi 12 hải lý (tính từ đường cơ sở của quốc gia đó). TQ không hiểu điều này hay cố tình xem thường luật pháp quốc tế. TQ đã phê chuẩn (tham gia) vào UNCLOS 1982, trong đó quy định rất rõ ràng về các đối tượng mà một quốc gia được phép và không được phép tuyên bố chủ quyền. Dù vậy, TQ dường như đang chống lại UNCLOS khi nước này tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển rất xa.

BILL HAYTON, chuyên gia biển Đông, 
Viện Nghiên cứu quốc tế hoàng gia Anh

Áp lực kép chống Trung Quốc

Trước sức ép từ TQ, các quốc gia liên quan cần phải tạo ra áp lực kép. Ở khía cạnh phạm vi tham gia, áp lực kép được hiểu là: (i) Sự kết hợp giữa các nước ASEAN và (ii) ASEAN cùng hợp tác với các nước bên ngoài.

Rõ ràng, việc huy động tiếng nói của ASEAN là vô cùng quan trọng. Việc TQ nỗ lực nhằm chia rẽ ASEAN cho thấy sự đoàn kết của khối này, dù ở khía cạnh kinh tế, chính trị-ngoại giao hay an ninh-quốc phòng đều sẽ tạo sự e dè cho TQ.

ASEAN cần tập trung hai vấn đề: Một là quyết tâm trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC), trong đó đảm bảo phạm vi điều chỉnh của COC đối với phần lớn biển Đông và cần có các cơ chế xử lý tranh chấp. Hai là hợp tác tuần tra chung, khai thác kinh tế dựa trên hiểu biết thống nhất về mối đe dọa xuất phát từ TQ. Muốn thế, các nước then chốt như Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam… cần tạo lực đẩy chung cho khối.

ASEAN cũng cần thúc đẩy các sáng kiến kinh tế, an ninh hàng hải có sự tham gia của thế giới bên ngoài, điển hình là Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, EU và Nga. Thông qua các diễn đàn ngoại giao chính thức, phi chính thức, ASEAN cần cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời để các nước khác biết rõ TQ hung hăng trên biển, đe dọa an ninh chung ở biển Đông và vùng biển xung quanh. Đó là cầu nối để các nước chia sẻ, phối hợp ngăn cản TQ leo thang căng thẳng.

Áp lực kép ở khía cạnh lĩnh vực hoạt động có thể hiểu là: Cần có sự phối hợp giữa (i) sức mạnh quốc phòng với (ii) các lĩnh vực khác, ví dụ kinh tế. Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa làm lộ rõ sự phụ thuộc mạnh mẽ của nền kinh tế TQ vào các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Các nền kinh tế lớn của thế giới đang chịu thiệt hại nặng vì COVID-19 chiếm tỉ trọng lớn thị phần xuất khẩu của TQ, khiến nền kinh tế nội địa của nước này thiếu động lực về nhu cầu.

Bắc Kinh lo làn sóng doanh nghiệp nước ngoài rời TQ vì thương chiến với Mỹ. Tuy nhiên, điều TQ lo ngại hơn là đại dịch đã tạo “cú hích” khiến nhiều doanh nghiệp quyết tâm “một đi không trở lại”. Nếu sự hợp sức giữa các nước đủ lớn để thoát khỏi những ràng buộc hiện tại với TQ, tạo sức ép một chiều lên nước này thì khả năng tạo ra sự răn đe với TQ ở biển Đông sẽ cao hơn.

Ở biển Đông, TQ là đối thủ không cần phân biệt đâu là dân sự, đâu là quân sự. Những chiếc (giống) tàu cá có trang bị vũ trang, sẵn sàng va đâm và gây sự với các nước; hay những đội tàu dân quân biển ngàn chiếc ra khơi là bằng chứng. Vậy nên, khi hợp tác với các nước liên quan biển Đông, Mỹ và các nước lớn cần triển khai: Từ Bộ Quốc phòng, Ngoại giao đến Kinh tế, Nông nghiệp. Việc này tạo ra thế bủa vây: An ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, sản xuất… Khi đó mới ngăn TQ không phá vỡ “tự do và cởi mở” như Mỹ cam kết ở biển Đông.

Mỹ và Úc tập trận hàng hải

Ngày 22-4, Bộ Quốc phòng Úc thông báo tàu hộ vệ HMAS Parramatta của Hải quân Hoàng gia Úc và tàu khu trục USS Barry của Hải quân Mỹ đã được điều đến biển Đông. Trước đó một ngày, Hải quân Mỹ thông báo đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến khu vực này.

Bộ Quốc phòng Úc cho biết bốn tàu trên đã tổ chức tập trận chung ở biển Đông. Cả Mỹ và Úc đều không nói rõ vị trí triển khai các tàu chiến này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm