Trung Quốc: Ngồi tù vẫn có tiền tiêu

Quan tham họ Lý bị Tòa án huyện Tượng Sơn thuộc TP Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) kết án năm năm tù về tội nhận hối lộ. Sau khi mãn hạn tù, họ Lý đã nhận phí bồi thường ngồi tù lên tới hàng triệu nhân dân tệ (hàng tỉ đồng VN). Trong một vụ án khác, sau khi tòa tuyên án nhận hối lộ, ba công chức của huyện Tượng Sơn đã nhận phí bồi thường ngồi tù 1 triệu nhân dân tệ (2,86 tỉ đồng VN).

Quan tham hưởng phí bồi thường ngồi tù sau khi mãn án là hiện tượng đáng chú ý trong thời gian gần đây. Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 11-11 đã có bài nhận định đây là bài toán chưa có lời giải trong công tác chống tham nhũng.

Đối với người đưa hối lộ, nếu đứng ra làm chứng sẽ bị coi là phản đồ, do đó đã trả phí bồi thường ngồi tù cho quan tham. Còn quan tham tự cho rằng nhận phí bồi thường ngồi tù là để bù đắp cho thiệt hại về kinh tế trong thời gian ngồi tù.

Trung Quốc: Ngồi tù vẫn có tiền tiêu ảnh 1

Người đàn ông đưa ngón tay cái nói: “Huynh đệ! Rất hào phóng! Cái này kính biếu anh”. Ảnh: voc.com.cn

Ông Phạm Húc Đông phụ trách văn phòng nghiên cứu của Viện Kiểm sát huyện Tượng Sơn nhận định tuy phí bồi thường ngồi tù chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng gây ảnh hưởng xấu trong xã hội vì:

- Giảm nhẹ cái giá mà quan tham phải trả khi phạm tội: Một khi muốn đưa phí bồi thường ngồi tù, hiếm khi người đưa hối lộ chủ động khai báo, nếu bị ép buộc khai báo thì cũng tìm cách bảo vệ quan tham nhằm giảm nhẹ hình phạt.

- Phí bồi thường ngồi tù trực tiếp thúc đẩy các quy tắc ngầm tự tung tự tác: Trước khi vụ án vỡ lở, hai bên đưa và nhận hối lộ đều nhận được lợi ích riêng. Sau khi vụ án bị phát hiện, người đưa hối lộ thành thật khai báo, thường không bị pháp luật trừng phạt, còn quan tham sau khi mãn hạn tù được nhận bồi thường kinh tế. Cái này có thể gọi là chiến lợi phẩm của quy tắc ngầm.

- Gây trở ngại cho công tác chống tham nhũng: Người dân không còn tích cực tố cáo tham nhũng. Quan tham càng thêm to gan không cung khai, bao biện, thậm chí phản cung.

2 triệu nhân dân tệ (5,72 tỉ đồng VN) là số tiền bình quân một quan tham cấp phó phòng của huyện bị mất mát khi bị bắt giam ở tuổi 50, tức 10 năm trước khi nghỉ hưu.

Về ngăn chặn phí bồi thường ngồi tù, có hai quan điểm khác nhau. Một bên cho rằng hành vi nhận phí bồi thường ngồi tù chưa đủ cấu thành tội nhận hối lộ. Lý do: Quan tham đã ngồi tù, bị khai trừ khỏi Đảng và bãi chức vụ nên không còn là công chức và như vậy không thể làm lợi cho người đưa hối lộ.

Quan điểm thứ hai cho rằng trái ngược lại. Lý do: Ý kiến về vận dụng thích hợp pháp luật đối với các vụ án hình sự nhận hối lộ do VKSND Tối cao và TAND Tối cao Trung Quốc ban hành có quy định công chức trước và sau khi rời chức vụ liên tục nhận vật dụng và tiền bạc của người nhờ vả thì toàn bộ tiền nhận trước và sau khi rời chức vụ đều bị tính là tiền nhận hối lộ.

Giáo sư Trương Triệu Tùng ở Đại học Ninh Ba cho rằng điểm mấu chốt là xem xét hành vi lợi dụng chức vụ của quan tham và hành vi đưa hối lộ có mối liên hệ thế nào.

Hành vi nhận phí bồi thường ngồi tù chỉ cấu thành tội nhận hối lộ nếu hai bên đương sự bày tỏ đây là bồi thường cho người nhận hối lộ (có yếu tố mưu lợi cho người đưa hối lộ). Bằng ngược lại sẽ không thể cấu thành tội nhận hối lộ.

Ngày 19-11, Khang Nhật Tân, 57 tuổi, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc, đã bị TAND trung cấp số 1 TP Bắc Kinh kết án tù chung thân, bị tước đoạt quyền lợi chính trị suốt đời và bị tịch thu toàn bộ tài sản về tội nhận hối lộ. Từ năm 2004 đến 2009, khi giữ chức tổng giám đốc tập đoàn kể trên kiêm chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Điện hạt nhân số 3 Tần Sơn, Khang Nhật Tân đã nhận hối lộ hơn 6,6 triệu nhân dân tệ (18,876 tỉ đồng VN) trong công tác điều động nhân sự, sắp xếp công việc, đấu thầu, nghiệp vụ kinh doanh. Sau khi bị bắt, bị cáo khai nhận và giao nộp toàn bộ tiền nhận hối lộ. (Theo Tân Hoa xã)

HOÀNG HẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm