Trung Quốc muốn lập căn cứ ở Djibouti

Trung Quốc đang đàm phán bố trí một căn cứ quân sự tại cảng chiến lược Djibouti. AFP đưa tin ngày 10-5, Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh cho biết như trên.

Ông khẳng định: “Đàm phán đang diễn ra”. Ông ghi nhận các tàu buôn lớn trong thập niên này sẽ là tàu của Trung Quốc và Trung Quốc muốn bảo vệ lợi ích của mình nên Djibouti sẵn sàng chào đón sự hiện diện của Trung Quốc.

Hiện nay tại TP Djibouti, Mỹ đã sử dụng căn cứ quân sự Lemonnier từ năm 2002 và đây là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở châu Phi.

Căn cứ Lemonnier được dùng làm hậu cứ của hải quân Mỹ và lực lượng tác chiến hỗn hợp Mỹ phụ trách chống hải tặc ở vùng Sừng châu Phi.

Căn cứ có thể tiếp nhận 43 máy bay và 2.100 quân với 300 lực lượng tác chiến. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ có thể tiếp nhận thêm 12 máy bay, 1.500 quân và 800 quân tác chiến.

Do tình hình khu vực bất ổn, quân đội Mỹ đã sử dụng căn cứ Lemonnier cho các chiến dịch chống khủng bố và nhiều chiến dịch khác ở Yemen, Somalia và nhiều nơi khác ở châu Phi.

Lính thủy đánh bộ Mỹ huấn luyện gần căn cứ Lemonnier ở Djibouti. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ

Ở vùng Sừng châu Phi, đất nước Djibouti nhỏ bé lại giữ vai trò chiến lược quan trọng duy nhất.

Nhiều nước đã sử dụng cảng Djibouti làm nơi bảo trì và tiếp tế. Djibouti đã trở thành trục xoay trong cuộc chiến chống khủng bố và hải tặc.

Nếu Djibouti chấp thuận cho Trung Quốc bố trí căn cứ quân sự, căn cứ của Trung Quốc sẽ cùng hiện diện ở vùng Sừng châu Phi với các căn cứ của Mỹ, Pháp và Nhật.

Trung Quốc đang đầu tư vào nhiều dự án ở Djibouti về cảng biển, sân bay và đường sắt.

Tổng thống Ismail Omar Guelleh khẳng định Trung Quốc muốn biến Djibouti thành điểm trung chuyển mở đường sang Đông Phi và đường ra biển đến nước Ethiopia lân cận.

Từ tháng 2-2014, Bắc Kinh đã ký kết với Djibouti hiệp định đối tác chiến lược về an ninh và quốc phòng. Trong khuôn khổ hiệp định, Djibouti đã mở cửa cho hải quân Trung Quốc.

Ngoài Djibouti, Trung Quốc còn nhắm đến Namibia. Đầu tháng 4, một phái đoàn Trung Quốc đã đến Namibia.

Nội dung đàm phán không được tiết lộ nhưng báo Le Monde dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết phái đoàn Trung Quốc đã thảo luận về xây dựng cảng quân sự của Trung Quốc ở vịnh Walvis của Namibia.

Báo The Namibian (Namibia) khẳng định căn cứ hải quân của Trung Quốc sẽ được sử dụng để huấn luyện quân đội Namibia.

Báo Le Monde ghi nhận từ nhiều tháng nay, tin đồn Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển châu Phi ngày càng rộ lên.

Trong 18 căn cứ quân sự ở nước ngoài mà Trung Quốc đang nghiên cứu có nhiều căn cứ ở châu Phi. Trong đó, dự án xây dựng căn cứ ở vịnh Walvis là hiện thực nhất.

Đây là vị trí chiến lược có thể kiểm soát các con đường qua lại quốc tế. 3.000 tàu chở container qua lại mỗi năm qua vịnh Walvis.

Tổng thống Ismail Omar Guelleh cầm quyền ở Djibouti từ 16 năm và không loại trừ năm 2016 sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Điều này phù hợp với hiến pháp đã sửa đổi năm 2010. Nguy cơ đối với Djibouti hiện nay là tổ chức khủng bố Al Qaeda đang hoạt động ở Yemen chỉ cách Djibouti một eo biển hẹp. Do chiến sự ở Yemen, hàng ngàn người đã chạy sang Djibouti. Đất nước này chỉ có 0,8 triệu dân nhưng có đến 28.000 người tị nạn.

30 triệu USD/năm đã được Mỹ và Nhật bỏ ra thuê căn cứ ở Djibouti trong khi Pháp chi tiền thuê đến 40triệu USD.

_______________________________________

Châu Phi đang trên đà phát triển. Vị trí của Djibouti sẽ phục vụ cho quá trình hòa nhập khu vực ở châu Phi. Chúng tôi không thể phát triển kinh tế mạnh nếu không có cơ sở hạ tầng.

Tổng thống ISMAIL OMAR GUELLEH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm