Trung Quốc mở hàng loạt trường đào tạo tình báo

Tuần trước, Trung Quốc đã mở trường Đại học Tình báo Quốc gia thứ 8 trong khuôn viên của Đại học Hồ Nam, tại thành phố thủ phủ Trường Sa. Kể từ tháng Giêng, các trường đào tạo tương tự đã được thành lập ở Đại học Bắc Kinh, Thượng Hải, Tây An, Thanh Đảo và Cáp Nhĩ Tân.

Động thái này diễn ra giữa lúc phương Tây đang lo ngại về quy mô mở rộng hoạt động thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc. MI5 (Cơ quan phản gián Anh) nhận định, chính phủ Trung Quốc "là một trong những mối đe dọa gián điệp lớn nhất đối với Anh".

Trung Quốc mở hàng loạt trường đào tạo tình báo ảnh 1

Trường Đại học Hồ Nam tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc 

Tuy nhiên, cho đến nay phần lớn các hoạt động tình báo nước ngoài của Trung Quốc được cho là do các học giả và sinh viên được cử sang nước sở tại học tập trong một thời gian ngắn đảm nhiệm.

Được biết, những trường mới mở này nhằm mục đích thay đổi và hiện đại hóa các hoạt động tình báo của Trung Quốc, đào tạo điệp viên bằng những phương pháp lựa chọn và phân tích mới nhất. Mỗi trường sẽ tuyển dụng khoảng 30 đến 50 học viên hàng năm.

Theo Telegraph, các cơ quan tình báo phương Tây cũng đang tiến hành những hoạt động đào tạo tương tự, bao gồm cả MI5, nhằm cải thiện khả năng phân tích và sử dụng công nghệ. Mỹ cũng có một dự án tương tự với tên gọi là Chương trình Giáo dục An ninh Quốc gia, được thiết lập trong thời kỳ diễn ra chiến tranh vùng Vịnh, nhằm thúc đẩy việc việc đào tạo ngôn ngữ và văn hóa cho các điệp viên Mỹ.

Chương trình của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2008 với việc thành lập trường Cao đẳng Tình báo đầu tiên tại Đại học Nam Kinh. Trường thứ hai được thành lập ở tỉnh Quảng Đông vào cuối năm ngoái, và hiện chương trình này đang được tăng tốc đáng kể.

"Việc thành lập một trường đại học tình báo tại Phúc Đán là để đáp ứng nhu cầu đào tạo kỹ năng tình báo cấp thiết trong kỷ nguyên hiện đại", phát ngôn viên của trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nói. Tuy nhiên, họ sẽ không tiết lộ vị trí của các trường tình báo mới và học viên của Đại học Phúc Đán cũng được giữ kín.

"Trung Quốc không có những nhân lực và kỹ năng cần thiết trong ngành tình báo. Chúng tôi cần phải thiết lập các khóa học đặc biệt để đáp ứng nhu cầu lúc này", ông Cao Shujin, giáo sư quản lý thông tin kiêm Phó hiệu trưởng trường Đại học Tình báo Quốc gia Trung Sơn cho biết.

"Sau khi sinh viên trải qua một năm nghiên cứu quản lý thông tin, họ có thể được chọn lựa vào trường tình báo. Chúng tôi không quy định rõ quá trình sàng lọc. Chương trình này không giống như những cải cách đang diễn ra trong quân đội, chúng tôi chỉ cố gắng cung cấp kỹ năng cần thiết cho học viên. Một số học viên tốt nghiệp có thể gia nhập ngành tình báo chính phủ, nhưng có thể là không phải tất cả", ông Cao nói thêm.

Theo Phương Mai (VTC News/Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm