Trung Quốc mang nhiều nỗi lo tham dự Hội nghị SCO 2019

Hôm 14-6, tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan, lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2019 đã diễn ra với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đến từ các nước thành viên gồm Ấn Ðộ, Kazakhstan, Kyrgystan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan. 

Thành lập vào năm 2011, SCO được kỳ vọng sẽ trở thành một diễn đàn để đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở khu vực Trung Á. Theo thời gian, tổ chức này đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô lẫn số lượng thành viên.

Thông tin từ truyền thông Trung Quốc cho biết, tám thành viên sáng lập thường trực của tổ chức - Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Pakistan - chiếm khoảng "1/2 dân số thế giới và hơn 20% GDP thế giới". Điều này đã khiến SCO trở thành một diễn đàn quan trọng để các thành viên tranh luận và đàm phán về mọi vấn đề an ninh và kinh tế trong khu vực.

Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao SCO ở thủ đô Bishkek của Kyrgystan. Ảnh: RFE

Theo CNN, tham dự kỳ Hội nghị lần này, Trung Quốc so với ở Hội nghị năm 2018 đã có một sự thay đổi hoàn toàn về thái độ và mục tiêu. Kẹt trong cuộc thương chiến chưa thấy hồi kết với Mỹ, Bắc Kinh giờ đây hơn bao giờ hết đang mong muốn củng cố những đồng minh chiến lược của mình trong khối.

Ở Bishkek, Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông vừa gọi là "bạn tốt nhất" hồi đầu tháng 6-2019, và Thủ tướng Ấn Độ mới nhậm chức Narendra Modi.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc học thuộc Đại học SOAS of London, nhận định rằng mặc dù khả năng cao là ông Tập sẽ tìm cách để có được sự ủng hộ của hai nguyên thủ trên, tuy nhiên với sự sa sút trong vị thế của Trung Quốc kể từ kỳ Hội nghị trước, Ấn Độ và Nga vì thế mà sẽ ở một vị trí cao hơn để mặc cả với cường quốc châu Á này.

"Điều này sẽ cho những nước trên một cơ hội để xem họ có thể lấy được gì từ người Trung Quốc. Họ trông thấy ông Tập Cận Bình đang cảm thấy hơi yếu thế hơn so với một năm trước đó", ông Tsang cho biết.

Tuy vậy với quan hệ Nga-Trung gần đây đã được lãnh đạo hai nước tái khẳng định trở nên nồng ấm, Thủ tướng Ấn Độ Modi nhiều khả năng sẽ là người nhận được sự chú ý nhiều hơn cả từ ông Tập Cận Bình.

Theo CNN, quan hệ Trung-Ấn trong một thời gian dài đã luôn có dấu hiệu rạn nứt, với những thời điểm như năm 2017 hai nước suýt đi đến bờ vực xung đột  vì những tranh chấp ở gần Bhutan. Thế nhưng, trước mối đe doạ ngày càng lớn đến từ Mỹ trong hai năm qua, cả ông Tập và ông Mod đều đã tìm cách tăng cường quan hệ song phương, như tiến hành tổ chức một cuộc Hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Vũ Hán vào tháng 4 năm 2018.

"Người Trung Quốc muốn thấy mối quan hệ kinh tế của họ với Ấn Độ phát triển, đặc biệt là nếu họ có thể thuyết phục người Ấn Độ sử dụng công nghệ của Huawei cho mạng 5G của họ. Đối với chính quyền Trung Quốc, việc duy trì Huawei như một giải pháp thay thế cho [công nghệ] phương Tây là rất hữu ích", dẫn lời Giám đốc Tsang.

CNN cho hay, đến nay chính quyền New Delhi vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy họ cũng có chung một nỗ lo ngại tương tự với phương Tây về những nghi vấn đánh cắp thông tin và gián điệp xung quanh Huawei, và dư luận Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa có vấn đề gì trong việc sử dụng công nghệ của tập đoàn này. 

Ngoài ra, trong số các nước tham dự SCO 2019 cũng sẽ có mặt những quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai - Con đường hàng đầu của Bắc Kinh. Điều này càng khiến sự kiện năm nay trở nên quan trọng hơn đối với Bắc Kinh. 

Được công bố chính thức vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai - Con đường là một kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thiết lập hệ thống đường sắt, các đường ống dẫn dầu, các mạng lưới điện, các hệ thống cảng biển cùng rất nhiều dự án hạ tầng nối liền khoảng 65 quốc gia với Trung Quốc.

Một thành phần quan trọng của kế hoạch này sẽ là Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, một mạng lưới kinh tế chạy xuyên qua khu vực Trung Á.

Sau khi Liên Xô tan rã, nhiều quốc gia Trung Á đã phải rất chât vật để hoà nhập lại với nền kinh tế toàn cầu. Với lời hứa sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm cả việc tạo ra các tuyến đường sắt lớn kết nối Tây Âu với Trung Quốc qua Trung Á, Trung Quốc đã trở thành đối tác khu vực đáng tin cậy trong mặt các quốc gia này.

Trước khi ông Tập Cận Bình lên đường dự SCO 2019, truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch tung ra những lời khen có cánh dành cho Vành đai - Con Đường, CNN cho biết. 

"Vành đai - Con Đường, giờ đã bước qua năm thứ sáu, có thể mang lại cho các thành viên SCO cả 'vành đai' an ninh và 'con đường' để phát triển trước chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc kinh tế để đạt được sự ổn định lâu dài và thịnh vượng chung", theo một bài viết của Tân Hoa Xã.

Mặc dù vậy, kế hoạch tham vọng này của Trung Quốc gần đây đã vấp phải sự tẩy chay từ đối tác trên khắp thế giới về Vành đai với cáo buộc về những khoản nợ vô lý và các dự án không có tính thực tế.

CNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm