Trung Quốc: Luật sư nghiệp dư của công nhân nghèo

Công nhân bảo vệ công nhân

Tề Vân Huệ là người tỉnh Hồ Bắc. Năm 2002, anh đến Thẩm Quyến (tỉnh Quảng Đông) làm công nhân cho một nhà máy sản xuất giày da. Là công nhân nên anh hiểu những thiệt thòi của người lao động khi bị chủ lao động o ép.

Hiện nay, Tề Vân Huệ mở văn phòng tại Thẩm Quyến, thường xuyên ra tòa bảo vệ quyền lợi công nhân với tư cách là người đại diện công dân (người được thân chủ ủy quyền nhưng không phải luật sư chuyên nghiệp). Dù chưa có bằng tốt nghiệp trung học nhưng anh rất tự tin mỗi khi bào chữa.

Chu Lý Thái xuất thân trong gia đình nông dân ở Trùng Khánh. Trước đây ông là công nhân lò gạch. Ông bắt đầu mày mò tìm hiểu luật kể từ khi chủ lò gạch không trả đủ lương theo thỏa thuận.

Hiện nay ông đã có chứng chỉ hành nghề luật sư. Văn phòng của ông chuyên xử lý đơn kiện của công nhân nhập cư. Phần lớn kiện đòi bồi thường tai nạn lao động hoặc đòi trả lương đúng quy định.

Tại Trung Quốc, những người như Tề Vân Huệ và Chu Lý Thái được gọi là luật sư chân đất. Họ thường là người ít học, xuất thân từ nông thôn, tự mày mò nghiên cứu luật để cung cấp dịch vụ pháp lý với giá rẻ cho công nhân.

Luật sư chuyên nghiệp nhập cuộc

Trong năm năm qua, luật sư chân đất bảo vệ quyền lợi lao động cho công nhân nghèo đã trở thành một bộ phận quan trọng trong các khu công nghiệp.

Hiện trong các khu công nghiệp có khoảng 150 triệu công nhân là dân nhập cư. Hầu hết làm trong các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu hoặc ngành xây dựng. Chuyện chủ trả lương thấp hơn quy định, vi phạm hợp đồng lao động hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc xảy ra khá phổ biến.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo trước đây đã từng kêu gọi chấn chỉnh tình trạng trả lương cho công nhân. Đến nay, tình hình chung đã được cải thiện rõ rệt, tuy nhiên ở quy mô địa phương thì vẫn vậy vì các quan chức địa phương muốn giữ chân nhà đầu tư.

Khu vực đồng bằng sông Châu Giang là nơi tập trung nhiều nhà máy. Hàng trăm luật sư chân đất đang hành nghề ở đây. Hầu hết đều giúp công nhân theo phương thức kiện trước, trả tiền công sau.

Luật sư chuyên nghiệp thường tính chi phí cao và yêu cầu thân chủ ứng tiền trước. Trong khi đó, luật sư chân đất lấy chi phí phải chăng và chỉ nhận thêm thù lao khi công nhân thắng kiện được bồi thường.

Hiện nay, các luật sư chuyên nghiệp cũng đã bắt đầu chú ý đến đối tượng công nhân nhập cư. Năm ngoái, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc đã kết hợp với Hiệp hội Luật sư toàn Trung Quốc thử nghiệm chương trình trợ giúp pháp lý cho công nhân nhập cư ở 15 tỉnh thành. Riêng tại Bắc Kinh, chương trình này đã tư vấn cho 30.000 công nhân và đã tham gia giúp đỡ 4.000 vụ kiện của công nhân nhập cư trong năm 2007.

Cuối năm ngoái, tại Thẩm Quyến, một luật sư chân đất là giám đốc trung tâm giáo dục luật lao động miễn phí cho công nhân nhập cư đã bị hai người hành hung bằng dao. Sau đó, chủ một nhà máy đã bị bắt giữ và thừa nhận đã chủ mưu vụ hành hung. Luật sư chân đất Tề Vân Huệ cũng đã từng bị hăm dọa ngay tại văn phòng.

LÊ LINH (Theo Reuters)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm