Trung Quốc kỳ vọng gì ở Davos?

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 47 đã khai mạc ngày 17-1 tại thị trấn Davos của Thụy Sĩ (gọi tắt là Diễn đàn Davos). Hội nghị sẽ kéo dài đến cuối tuần.

Diễn đàn Davos năm nay với chủ đề “Nhà lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” tập trung bốn chủ điểm: Định hướng lại hợp tác quốc tế; tái sinh kinh tế thế giới; cải cách chủ nghĩa tư bản; chuẩn bị cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (xây dựng nhà máy thông minh).

Điều đặc biệt năm nay là lần đầu tiên một đoàn đại biểu Trung Quốc (TQ) do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu tham dự Diễn đàn Davos.

Báo chí quốc tế nhận định phái đoàn TQ không phải tự dưng đến Davos.

Vào lúc giới doanh nghiệp cảm thấy bất an trước viễn ảnh bảo hộ mậu dịch ở Mỹ và nước Anh rời châu Âu (Brexit), nền kinh tế thứ hai thế giới TQ được xem như cứu tinh của chính sách tự do thương mại.

Đối với một Donald Trump cam kết sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, dựng rào cản thuế quan đối với các nước láng giềng và TQ đồng thời tuyên bố Mỹ có thể rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chủ tịch Tập Cận Bình đã rào đón từ tháng 11-2016: “Chúng tôi không đóng cửa với thế giới nhưng sẽ còn mở cửa rộng hơn”.

Ông Tập Cận Bình phát biểu hôm 17-1 tại Diễn đàn Davos 2017. Ảnh: REUTERS

Ông Tập đã nhắc lại điệp khúc này với bài diễn văn nêu bật “tầm nhìn toàn cầu hóa hài hòa hơn”, phát biểu hôm 17-1 tại Diễn đàn Davos 2017.

Cuối năm ngoái, nguyên Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đã từng nhận xét EU và TQ phải trở thành tác nhân quốc tế chủ chốt bảo vệ chính sách mở cửa trao đổi thương mại. Dù vậy, ông thòng thêm một câu: “Nhưng phải chờ sau lời nói là các chính sách cải cách mở cửa”.

Báo Tribune de Genève (Thụy Sĩ) đánh giá phái đoàn TQ đến Diễn đàn Davos với ý định nhào nặn thương mại thế kỷ 21 theo cách riêng.

Bắc Kinh đã từng bị EU và Mỹ chỉ trích về bán phá giá, áp đặt các biện pháp bảo hộ trừng phạt hàng nhập khẩu và hạn chế phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài.

TQ đã từng công bố trong năm 2016, 27 nước đã tiến hành 119 vụ phản đối hoạt động thương mại của TQ, tăng 37% trong một năm.

Chắc chắn TQ đã khởi xướng dự án “con đường tơ lụa mới” Á-Âu và cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Trung Á. TQ cũng muốn xúc tiến thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Dù vậy, các chuyên gia ghi nhận các sáng kiến của TQ trước tiên chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của TQ, đáp ứng tinh thần hữu nghị “có qua có lại” theo kiểu nhỏ giọt.

Ngoài ra, TQ cũng không ngần ngại sử dụng thương mại làm công cụ trả đũa như vụ cá hồi Na Uy nhập khẩu.

Chuyên gia người Úc David Kelly đánh giá: “Hiện nay có khoảng cách lớn giữa các tham vọng công bố và vốn đầu tư thực tế. Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu ngoại giao bằng chi phiếu hơn là một chính sách thương mại gắn kết”.

Diễn đàn Davos 2017 quy tụ gần 3.000 đại biểu của khoảng 100 quốc gia, trong đó có 1.200 chủ doanh nghiệp và hơn 50 nhà lãnh đạo chính trị. Đây là nơi trao đổi ý tưởng về các xung đột (chủ yếu về kinh tế) nhằm mục đích hài hòa lợi ích công-tư. Hơn 50% trong 400 cuộc thảo luận sẽ bàn về dung nạp xã hội và phát triển con người.

Ngày 11-1, tổ chức phi chính phủ Diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố danh sách các tác nhân nguy cơ chủ yếu năm 2017. Đứng đầu là bất bình đẳng về thu nhập, phân hóa xã hội và biến đổi khí hậu. Tổ chức Oxfam đã công bố báo cáo ghi nhận: Tám người trên thế giới có tài sản bằng tổng tài sản của 3,6 tỉ người nghèo hơn hết cộng lại.

_____________________________

Dự án “con đường tơ lụa mới” chỉ nhằm bảo đảm đầu ra cho phần sản xuất thặng dư xi măng và thép của TQ, đồng thời củng cố ảnh hưởng của nước này.

Nhà phân tích ANDREW POLK,
Công ty tư  vấn Medley Global Advisors ở Mỹ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm