Trung Quốc hứa ngưng 'trưng thu' nội tạng tử tù

Nguồn nội tạng được sử dụng để cấy ghép tại Trung Quốc luôn ở trong tình trạng khan hiếm. Vì vậy, trong nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu bức thiết trên, các tử tù nước này nghiễm nhiên trở thành nguồn cung cấp nội tạng quan trọng. Thực tế này đã gây ra làn sóng tranh cãi dữ dội tại Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới. 

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã nhiều lần cáo buộc chính quyền Trung Quốc mổ lấy cắp nội tạng của các tử tù mà không được sự đồng ý của họ hoặc gia đình họ. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn khăng khăng phủ nhận mọi cáo buộc nhắm vào họ. 

 Trung Quốc nhiều lần cam kết ngừng “đánh cắp” nội tạng của tử tù để phục vụ cho nhu cầu cấy ghép nhưng không thực hiện được. (Ảnh minh họa)

Phát biểu trên tờ Southern Metropolis Daily, Trưởng Ban hiến tạng Trung Quốc Huang Jiefu cho biết, họ sẽ "chấm dứt hoàn toàn" việc sử dụng các tử tù làm nguồn cung cấp nội tạng phục vụ cho mục đích cấy ghép kể từ ngày 1-1-2015.
Nguyên thứ trưởng Bộ Y Tế nước này cũng cho biết thêm, chương trình hiến tặng tự nguyện sẽ trở thành nguồn cung cấp nội tạng duy nhất tại Trung Quốc. 
Trước đó, vào tháng 11- 2012, chính ông Huang cũng lên tiếng cam kết tương tự khi cho rằng Trung Quốc sẽ chấm dứt sự phụ thuộc nguồn cung cấp nội tạng từ các tử tù trong vòng hai năm. 
Năm 2007, Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán nội tạng con người. Tuy nhiên do nhu cầu cấy ghép vượt xa nguồn cung cấp trong nước, vô tình đã tạo điều kiện cho các hành vi ép buộc hiến tạng và bán tạng bất hợp pháp xảy ra tràn lan tại đất nước 1,3 tỷ dân. 
Ông Huang tiết lộ, mỗi năm, có đến 300.000 bệnh nhân ở Trung Quốc trong tình trạng khẩn cấp cần được cấy ghép nội tạng, nhưng chỉ có khoảng 10.000 ca phẫu thuật được thực hiện. 
Ông bày tỏ, ở Trung Quốc, tỉ lệ người hiến nội tạng chỉ có 0,6/1 triệu người. Trong khi con số này ở Tây Ban Nha là 37 / triệu người. 
Lý giải con số trên, ông cho biết, nhiều người Trung Quốc tin rằng họ sẽ được tái sinh sau khi chết, do đó họ tìm mọi cách để giữ gìn trọn vẹn thể xác. 
Bên cạnh quan niệm truyền thống, những lo ngại về tham nhũng đằng sau các vụ hiến tạng cũng góp phần dẫn đến tỷ lệ ít ỏi người dân tự nguyện “cho” nội tạng.
Trưởng Ban hiến tặng tạng Trung Quốc cho hay: "Việc người dân quan tâm liệu hiến tạng có được thực hiện một cách công bằng, chính trực và minh bạch cũng là một lý do quan trọng khiến tình trạng “quyên góp” nội tạng trở nên khó khăn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm