Trung Quốc chờ đợi gì từ Trump?

Trong bài viết với đầu đề “Chiến thắng của Trump mang đến điều bất định cho châu Á” đăng ngày 11-11, AFP ghi nhận trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã không đưa ra bất kỳ đơn thuốc cụ thể nào đối với các vấn đề địa-chính trị tác động đến quan hệ Mỹ-Trung như yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, Đài Loan hay chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trump sẽ theo chủ nghĩa biệt lập?

Các nhà phân tích đánh giá các quan điểm mơ hồ và nước đôi trong chính sách đối ngoại của ông Trump đã dẫn đến câu hỏi: Chưa rõ ảnh hưởng của Mỹ sẽ giảm bớt ở châu Á hoặc Mỹ sẽ tiếp tục là một thế lực cần phải tính đến?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã từng đánh giá Trung Quốc là “kẻ thù” của Mỹ và cam kết sẽ đối phó với một quốc gia đã xem Mỹ như thù địch. Ông khẳng định không quan tâm can thiệp vào các tranh chấp xa xôi. Ông chê bai Mỹ phải trả tiền để bảo vệ các đồng minh như Nhật, Hàn Quốc, thậm chí còn gợi ý các nước này nên phát triển vũ khí hạt nhân.

Chuyên gia Ashley Townshend tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của ĐH Sydney (Úc) đưa ra nhiều dự báo: “Ông Trump có thể chơi ván bài biệt lập chủ nghĩa và thỏa thuận với Trung Quốc chia sẻ ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, ông ấy cũng có thể thực hiện quan điểm quân sự cứng rắn đối với một quốc gia mà ông ấy nghĩ rằng quốc gia ấy (Trung Quốc) đã đánh giá Mỹ là kẻ yếu”.

Chuyên gia Graham Webster ở Trường Luật Yale (Mỹ) nhận xét: “Đến giai đoạn này, các chính phủ trên thế giới không thể trông chờ vào chính sách của Mỹ bởi các tuyên bố về chính sách đối ngoại của Trump thường mâu thuẫn với nhau”.

Trong mấy tháng gần đây, một số đồng minh của Mỹ ở châu Á đã bị hút vào khu vực ảnh hưởng của Bắc Kinh do sức hút kinh tế quá béo bở. Đầu tiên là Philippines và kế đến là Malaysia.

Nếu Trump thực hiện chủ nghĩa biệt lập, tình trạng kể trên có thể sẽ trở nên phổ biến bởi các nước đang phát triển ở Đông Nam Á đang nhìn về Bắc Kinh với thuế suất ưu đãi và số lượng người tiêu dùng đông đảo như món ngon béo bở so với một nước Mỹ chỉ bám lấy chủ nghĩa bảo hộ có lợi cho Mỹ.

Chuyên gia Rory Medcalf ở ĐH Quốc gia Úc nhận xét nếu như Trump đòi Nhật và Hàn Quốc phải trả tiền nhiều hơn để Mỹ bảo vệ quốc phòng, các nước này sẽ đặt nghi vấn phải chăng chính quyền mới ở Mỹ muốn thay đổi các mối quan hệ đã thiết lập từ lâu.

Lúc đó các cường quốc trung bình ở châu Á như Úc sẽ suy nghĩ đến hai vấn đề, một là cường quốc Trung Quốc và hai là tính chất bất định trong chính sách của Mỹ.

Nhiều lo ngại ông Trump lên làm tổng thống sẽ phá hủy tính nguyên trạng (status quo). Biếm họa của STEVE SACK (báo The Minneapolis Star Tribune)

Trung Quốc thích bà Clinton hơn

Giám đốc Trường Quan hệ Quốc tế (thuộc ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc) Cổ Khánh Quốc nhận định: “Ông Trump không bày tỏ quan điểm về vấn đề biển Đông… Khi Trump được bầu làm tổng thống, tình trạng bất định trong quan hệ Trung-Mỹ gia tăng”.

Báo The Straits Times nhận định Trung Quốc chỉ quan tâm đến vấn đề lớn nhất là ông Trump làm gì với chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương do Tổng thống Obama để lại.

Căn cứ vào các tuyên bố của ông Trump rằng sẽ phải giảm vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ và xem lại quan hệ đồng minh như quan hệ với Nhật, Trung Quốc nghĩ rằng ông Trump sẽ giảm bớt hoặc dừng lại chiến lược tái cân bằng.

Nếu Trump làm những gì đã nói, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ cáo chung trong lúc Trung Quốc lo ngại TPP sẽ gây thiệt hại đến quan hệ thương mại Trung Quốc trong khu vực.

Đầu tiên báo chí Trung Quốc ít nói đến chiến dịch tranh cử ở Mỹ. Đột nhiên trong mấy tuần trước bầu cử Mỹ, báo chí có vẻ nghiêng về bà Hillary Clinton vì lo ngại nếu Trump đắc cử tổng thống, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại.

Chính sách bảo hộ của Trump có thể gây phương hại cho kinh tế thế giới. Chính sách quản lý kinh tế kém của Trump cũng có thể ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong cân bằng giữa tăng trưởng và cải cách kinh tế, chưa kể đang chuẩn bị đại hội đảng vào năm tới.

Nếu Trump áp dụng chính sách biệt lập, Mỹ sẽ giảm các nghĩa vụ quốc tế. Lúc đó Trung Quốc sẽ bị áp lực phải trám chỗ vào lúc chưa chuẩn bị gì. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lo ngại nếu Trump giữ lời hứa cho Nhật và Hàn Quốc sản xuất vũ khí hạt nhân để giảm vai trò bảo vệ của Mỹ, chạy đua vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra và sức ép khu vực gia tăng có thể sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của Trung Quốc.

Thật ra bên cạnh khẩu hiệu “Nước Mỹ trước đã”, ông Trump cũng hô hào nước Mỹ phải được kẻ thù sợ hãi và đồng minh nể trọng. Ông đã cam kết sẽ tăng cường quân đội Mỹ và ngưỡng mộ chính sách “bàn tay sắt” của Tổng thống Nga Putin.

Ngay trước ngày bầu cử Mỹ, trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy, tác giả Peter Navarro (cố vấn chính về Trung Quốc của Trump) đã giải thích quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ thay đổi dưới thời tổng thống mới. Bài viết đánh giá chính sách xoay trục sang châu Á của Obama là thất bại và do trục xoay yếu nên Trung Quốc mới xâm chiếm ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Peter Navarro khẳng định chính quyền Mỹ do ông Trump làm tổng thống sẽ giải quyết vấn đề bằng cách thực hiện chiến lược “sử dụng sức mạnh để duy trì hòa bình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm