Trung Quốc cảnh cáo Ấn Độ đừng manh động

Theo nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24-7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc (TQ) Ngô Khiêm nói rằng nước này hiện đã lên kế hoạch tăng cường “hoạt động triển khai và diễn tập có mục tiêu” dọc khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Trong bài phát biểu, ông Ngô cũng cảnh báo chính quyền New Delhi “chớ nên ảo tưởng”.

Ông Ngô nhấn mạnh lập trường của TQ: Việc quân đội Ấn Độ rút khỏi khu vực sẽ là “nền tảng và điều kiện tiên quyết” để tiến tới các cuộc đối thoại hòa bình, đồng thời Ấn Độ nên “sửa lỗi lầm và dừng ngay hành động khiêu khích của mình”.

Phát ngôn của ông Ngô được đưa ra chỉ một tuần sau khi đài Truyền hình Trung ương TQ (CCTV) tường thuật quân đội TQ vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ở cao nguyên Tây Tạng. Địa điểm tập trận cách không xa cao nguyên Dokalam, nơi bắt nguồn căng thẳng ngày một trầm trọng giữa hai nước trong hơn một tháng qua.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Ngô Khiêm (phải ngoài cùng) trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24-7. Ảnh: REUTERS

TQ đe dọa “cổ gà”

Theo Newsweek, cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn nghiêm trọng nhất đã diễn ra vào năm 1962, khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là binh sĩ Ấn Độ. Qua gần 50 năm sau, căng thẳng lại tiếp tục bùng phát vào ngày 16-6-2017 khi TQ cáo buộc binh sĩ Ấn Độ đi qua đường ranh giới hai bên đã nhất trí, phân chia vùng Tây Tạng (Tây TQ) với bang Sikkim (Đông Ấn Độ).

Thật ra từ hôm 8-6, quân đội TQ đã lợi dụng đêm tối để lặng lẽ tiến vào cao nguyên Dokalam (mà Bắc Kinh gọi là Donglang) và phá bỏ những lô cốt mà phía Bhutan xây dựng cách đây nhiều năm. Đến ngày 16-6, một đơn vị công binh TQ tiến vào khu vực này xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên. New Delhi cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm an ninh Ấn Độ và chủ quyền của nước láng giềng Bhutan khi bắt đầu dự án xây dựng. Phía Bhutan cũng kịch liệt phản đối và yêu cầu TQ trả lại hiện trạng tại khu vực.

Cao nguyên Dokalam nằm giáp với bang Sikkim của Ấn Độ. Việc TQ đơn phương xây dựng con đường khiến Ấn Độ phải can thiệp vì Ấn Độ và Bhutan hồi năm 2007 đã từng ký một hiệp ước hợp tác về các vấn đề an ninh.

Đồng thời, mặc dù cao nguyên Dokalam không thuộc lãnh thổ Ấn Độ nhưng New Delhi cực kỳ nhạy cảm với hoạt động xây đường của TQ. Bởi lẽ con đường sẽ cho phép TQ tiếp cận khu vực mà Ấn Độ gọi là “cổ gà”, một dải đất dài 20 km kết nối một bên Ấn Độ với những bang hẻo lánh phía Đông Bắc nước này, theo Reuters.

Nỗi lo sợ lớn nhất của Ấn Độ là nếu TQ bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công thì Bắc Kinh có thể cắt đứt con đường huyết mạch nối với các bang này. Thông điệp “quyết tâm” của TQ được đưa ra chỉ một tuần trước lễ kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập quân đội Trung Quốc vào 1-8 tới.

Ấn Độ tiến thoái lưỡng nan

Cuộc khủng hoảng biên giới giữa Trung-Ấn dự kiến sẽ được thảo luận khi cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval có chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 27 và 28-7 tới để tham gia diễn đàn an ninh của khối các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm năm quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, TQ và Nam Phi).

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nói rằng đoạn biên giới trên có ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt an ninh. “Nếu TQ đơn phương làm thay đổi hiện trạng của khu vực ngã ba biên giới, đó là mối lo ngại về an ninh đối với Ấn Độ. Chúng tôi muốn cả hai bên cùng rút quân đội và giải quyết bằng đối thoại” - nhà ngoại giao Ấn Độ tuyên bố.

Mặc dù Ấn Độ muốn cả hai bên cùng lui nhưng TQ lại nhất quyết đòi Ấn Độ phải rút quân trước thì mới có “các cuộc đối thoại ý nghĩa”. Bộ Ngoại giao TQ ngày 24-7 còn nói rằng một “cuộc đối thoại ý nghĩa” về vấn đề Dokalam tại thượng đỉnh BRICS sẽ là bất khả thi cho đến khi Ấn Độ hoàn toàn rút quân đội khỏi khu vực này.

Theo AP, giới chuyên gia nhận định với chủ nghĩa dân tộc ngày càng nổi lên mạnh mẽ tại TQ và Ấn Độ, không bên nào được dự đoán sẽ lùi bước trong tranh chấp biên giới. Điều này một phần rất lớn là do vị trí chiến lược của khu vực tranh chấp hiện tại.

Chuẩn bị tập trận lớn

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn một nguồn tin thân cận với quân đội TQ cho biết lễ kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập PLA sẽ không phải là cuộc duyệt binh tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh mà thay vào đó sẽ là một cuộc tập trận “toàn diện” ở căn cứ huấn luyện chiến thuật phức hợp Chu Nhật Hòa thuộc khu tự trị Nội Mông, cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 400 km về hướng Tây Bắc.

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy trung ương TQ, lần đầu tiên sẽ tới để thị sát cuộc tập trận này với một loạt hoạt động diễn tập liên quan tới chiến tranh mạng, lính đặc nhiệm, hàng không quân đội và tác chiến điện tử.

_____________________________

“Làm rung chuyển một ngọn núi thì dễ hơn làm lung lay quân đội TQ” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Ngô Khiêm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm