Trung Quốc: Bệnh đối phó với thi cử

Học chỉ để đi thi

Hiện nay tại Trung Quốc, vấn nạn coi trọng thi cử đã ăn sâu đến tận gốc rễ trong xã hội. Cũng vì Trung Quốc xem tỷ lệ học sinh lên lớp và thành tích thi đại học là tiêu chuẩn đánh giá nhà trường và giáo viên, một số địa phương đã căn cứ vào đó để khen thưởng và đánh giá năng lực giáo viên.

Giáo sư Trương Anh Bá (chủ nhiệm Ban công tác giáo dục thuộc Hội Toán học Trung Quốc, giảng viên Đại học Sư phạm Bắc Kinh) đã dạy toán bậc trung học cơ sở nhiều năm liền. Trong ngần ấy năm giảng dạy, cô chỉ nghe vỏn vẹn hai giáo viên dám tuyên bố mình lên lớp để dạy khái niệm và phương pháp cơ bản của môn toán chứ không dạy theo kiểu đối phó thi cử. Hai giáo viên ấy là giáo viên cấp đặc biệt (có trình độ giảng dạy cao) nổi tiếng.

Giáo sư Trương Anh Bá thuật lại câu chuyện như thế này: Trước khi thi học kỳ năm 2007, một học sinh năm thứ ba trung học phổ thông (tương đương lớp 12 của Việt Nam) ngập ngừng nói với cô: “Cô à, chúng em rất thích nghe cô giảng bài nhưng vì chúng em còn phải đối phó thi đại học nên em buộc phải chuyển sang lớp B nghe giảng”.

Giáo viên môn toán lớp B là giáo viên mới được điều động về trường, chuyên dạy học sinh cách đối phó thi đại học. Mỗi lần lên lớp, giáo viên toán viết hết các phương pháp giải bài lên bảng chứ không khơi gợi cho học sinh suy luận.

Giáo án và phương pháp giảng dạy cứng nhắc đã trở thành căn bệnh phổ biến. Giáo án cũng là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá trình độ giảng dạy. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, giáo án chỉ là tiêu chuẩn thấp nhất dùng để đánh giá kiến thức của học sinh.

Luyện gà chọi thi Olympic

Giáo sư Trương Anh Bá nhận định: Chế độ bắt buộc thi đại học đã thể hiện sự bế tắc của nền giáo dục Trung Quốc và chỉ cần bỏ thi đại học, vấn nạn đối phó thi cử sẽ tự hóa giải. Tháng 1-2008, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tổ chức thí điểm chín lớp tìm kiếm nhân tài, thử xem có thể thay thế kỳ thi đại học được không, thế nhưng chưa đạt kết quả mong muốn.

Tuy nhiên, theo giáo sư Khâu Thành Đồng (giảng viên Đại học Harvard của Mỹ), thủ phạm bóp chết nhân tài chính là phương pháp giáo dục cứng nhắc chứ không phải chế độ thi đại học.

Giáo sư nhận xét căn bệnh đối phó với thi cử xuất hiện vì Trung Quốc đã quan niệm sai về giáo dục.

Ví dụ điển hình nhất chính là theo đuổi một cách điên rồ các kỳ thi Olympic. Nhà trường và phụ huynh dạy cho học sinh lấy đích ngắm là kỳ thi Olympic để định hướng học tập. Nhiều phụ huynh cứ thích cho con vào học các trường nổi tiếng để đi thi Olympic.

Theo giáo sư Khâu Thành Đồng, đó là một hình thức biến thái của quan niệm danh lợi. Giáo sư cho rằng kỳ thi Olympic không thể là cuộc kiểm tra toàn diện năng lực của học sinh đối với một môn khoa học như toán, vật lý, hóa học... Chính vì vậy, rất nhiều học sinh đoạt giải Olympic nhưng khi vào đại học lại khó theo kịp chương trình.

Ngược lại ở nước ngoài, rất nhiều học sinh tham gia kỳ thi Olympic và sau đó các em thường tiếp tục học lên rất tốt. Điểm khác nhau mấu chốt ở chỗ học sinh nước ngoài chỉ xem kỳ thi Olympic như một sân chơi trí tuệ.

Lý luận quá nhiều không tốt

Hiện nay, trong giai đoạn thăm dò, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra nhiều ý kiến về sai lầm trong giáo dục cơ sở và nguyên nhân dẫn đến nạn đối phó thi cử tại Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia đều không phủ nhận một thực tế: giáo dục vẫn trên con đường tìm mô hình giáo dục tốt nhất.

Viện trưởng Trịnh Thiệu Viễn (Học viện Khoa học thuộc Đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong) góp ý: Khi đã hạ quyết tâm cải cách giáo dục thì cần phải suy nghĩ chu đáo các yếu tố có khả năng phát sinh do cải cách, đồng thời phải làm tốt công tác chuẩn bị.

Lấy ví dụ môn toán, Viện trưởng Trịnh Thiệu Viễn đề nghị phải làm được ba điểm:

- Giáo viên phải nhận thức rõ mục đích giáo dục là biến những lý luận khô khan và trừu tượng trở thành dễ hiểu cho học sinh.

- Giáo viên phải cải thiện phương pháp giáo dục, ngoài việc phê bình cần phải có ý kiến đóng góp mang tính chất xây dựng cụ thể.

- Giáo viên phải nỗ lực bồi dưỡng kiến thức, tìm tòi học hỏi và gần gũi học sinh.

Giáo sư Ngũ Hồng Hy (thuộc Ủy ban Toán học quốc gia Mỹ, giảng viên khoa toán Đại học California) có cách nhìn tương tự như giáo sư Khâu Thành Đồng. Ông lấy một ví dụ để nói rõ làm thế nào khích lệ và hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của học sinh.

Trung Quốc: Bệnh đối phó với thi cử ảnh 1

Một học sinh Trung Quốc sang du học tại Mỹ và nhận thấy rất nhiều học sinh vừa nghe giảng bài vừa giơ tay chất vấn thầy giáo. Khá nhiều câu hỏi thắc mắc không nằm trong chủ đề bài giảng nhưng giáo viên vẫn khen ngợi và khích lệ.

Không lâu sau, học sinh này về nước học tập, theo thói quen đó phát biểu thắc mắc xen vào bài giảng nhưng lần nào cũng bị giáo viên phê bình. Rốt cuộc sau đó, học sinh này không bao giờ giơ tay phát biểu nữa.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm