Trung Quốc bắt nữ nhà báo Úc vì nghi làm gián điệp

Tờ South China Morning Post hôm 8-2 đưa tin một nhà báo Úc, người dẫn chương trình cho một đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, đã chính thức bị bắt với cáo buộc “cung cấp trái phép bí mật quốc gia ra nước ngoài”.

Nữ nhà báo Cheng Le. Ảnh: David Fitzgerald/Sportsfile for Web Summit/GETTY IMAGES

Cụ thể, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết chính quyền Trung Quốc đã thông báo rằng nữ nhà báo Cheng Le đã đã chính thức bị bắt vào hôm 5-2 sau khi không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 8 năm ngoái.

“Giới chức Trung Quốc thông báo bà Cheng bị bắt vì tình nghi cung cấp trái phép bí mật quốc gia ra nước ngoài” - bà Payne cho hay.

Bà Cheng Le có quốc tịch Úc và làm việc cho kênh quốc tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CGTN) ở Bắc Kinh.

Hồi tháng 8 năm ngoái, bà Cheng bị giam giữ vì nghi ngờ bà có hành vi “đe dọa đến an ninh quốc gia của Trung Quốc”. Bà thường biết đến với một số bài viết trên Facebook chỉ trích Chủ tịch Tập Cận Bình và cách Trung Quốc ứng phó với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Ngoại trưởng Payne còn cho biết các nhà ngoại giao Úc đã đến thăm bà Cheng sáu lần kể từ khi bà bị giam giữ, lần gần đây nhất là vào ngày 27-1.

“Chúng tôi mong đợi các tiêu chuẩn cơ bản về công lý, công bằng về thủ tục và đối xử nhân đạo sẽ được áp dụng theo cách phù hợp với các chuẩn mực quốc tế” - bà Payne nói thêm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên, theo đài CNN.

Hồi tháng 9 năm ngoái, hai nhà báo Úc bao gồm ông Bill Birtles - làm việc cho Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) và ông Michael Smith - phóng viên của Tạp chí Tài chính Úc (Australian Financial Review- AFR) - đã khẩn cấp rời khỏi Trung Quốc sau khi bị cảnh sát thẩm vấn về "vụ án liên quan an ninh quốc gia".

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra gia tăng kể từ khi chính phủ Úc kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.

Đáp lại, Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa chủ chốt của Úc bao gồm lúa mạch, rượu vang,... 

Úc cũng đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra về mức thuế thương mại đối với sản phẩm lúa mạch Úc khi bán cho Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm