Trung Quốc: 78% quan tham nhận hối lộ dịp Tết

Nhân dịp Tết Mậu Tý sắp đến, phóng viên báo Pháp chế của Trung Quốc đã lựa chọn tham khảo lại 100 hồ sơ vụ án nhận hối lộ từ năm 2005-2007 thuộc thẩm quyền xử lý của ba tòa án ở Bắc Kinh (tòa án nhân dân khu Đông Thành, tòa án nhân dân khu Hải Định và tòa án nhân dân trung cấp số 1).

Tết là cơ hội biếu xén

Qua phân tích đã phát hiện trong số 100 quan tham, 78 người nhận quà cáp và tiền bạc hối lộ trong dịp Tết, thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Trong số đó, 42 người nhận hối lộ từ một năm trở lên. Ngoài dịp Tết, trong số này có 39 người nhận hối lộ nhân dịp Tết trung thu.

Trường hợp tiêu biểu như quan tham Hàn Quế Chi (nguyên chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị tỉnh Hắc Long Giang) liên tục nhận hối lộ của cấp dưới và các cá nhân đến chúc Tết trong suốt 10 năm (từ năm 1993-2003).

Các quan tham nho nhỏ thì nhận phần thưởng cuối năm của các cá nhân và đơn vị dưới hình thức chiết khấu, huê hồng, phí lễ Tết, phí dịch vụ.

Đối với số quan tham không nhận hối lộ dịp Tết, thời điểm nhận hối lộ sẽ diễn ra lúc tạo cơ hội cho người đưa hối lộ hoặc lúc có sự kiện đặc biệt nào đó. Đơn cử như Bạch Tuấn Tùng (nguyên phó trạm Trung tâm Giám sát bảo vệ môi trường TP Bắc Kinh) thường nhận hối lộ lúc đấu thầu mua bán thiết bị ứng phó khẩn cấp vào tháng 6 hàng năm.

Hai đặc điểm phân biệt

Trong số 78 quan tham nhận hối lộ dịp Tết, gần phân nửa biện hộ rằng nhận quà cáp, tiền bạc vào năm mới là chuyện tình cảm bình thường chứ không phải nhận hối lộ. Trong phiên tòa xét xử, quan tham Hàn Quế Chi từng biện hộ, tại vùng Đông Bắc, tặng quà dịp Tết là phong tục bản xứ chứ không có gì sai.

Muốn rõ nhận quà cáp là phong tục hay tội phạm, trước tiên phải xem xét giữa hai bên đưa và nhận hối lộ có mối quan hệ lợi ích và ràng buộc công việc hay không (ví dụ như cấp trên với cấp dưới, quan hệ hợp tác), đồng thời phải xem mối quan hệ đó có mang tính chất trường kỳ và ổn định không.

Tiếp đến, cần phải xem xét người nhận hối lộ có hiểu rõ mục đích biếu xén quà cáp hay không. Người đưa hối lộ lợi dụng cơ hội như lễ Tết để biếu xén vì quyền hạn đặc định của quan chức và lợi dụng biếu xén để mưu cầu lợi ích kinh tế hoặc để được giúp đỡ.

Do đó, tính cụ thể và tính đặc định về quyền hạn, chức vụ của hai bên đưa và nhận hối lộ sẽ quyết định tính cụ thể và tính đặc định của sự việc. Thông thường, mục đích kinh tế của hai bên vượt quá phạm trù về lễ nghĩa trong mối quan hệ bình thường và mang đặc trưng giao dịch quyền tiền.

Đa số quan tham đã bị kết án đều rõ như lòng bàn tay mục đích biếu xén. Đa số cũng đều có hành vi đòi hối lộ, như vậy mục đích nhận hối lộ tương đối rõ ràng.

Đủ kiểu hối lộ

Mỗi quan tham đều có một hoặc nhiều đối tượng hối lộ và hai bên đều giữ liên lạc trường kỳ. Dịp Tết, người đưa hối lộ chúc Tết từ tiền mặt, thẻ mua hàng, đồng hồ đeo tay sang trọng đến tranh chữ cổ, ngân phiếu và thậm chí căn hộ hoặc chiếc xe BMW 530. Phương thức hối lộ được che giấu rất kín đáo.

Nguyên Tổng giám đốc Nhiếp Ngọc Hà (Tập đoàn xây dựng thành thị-nông thôn Bắc Kinh) từng nhận hối lộ 100.000 nhân dân tệ (220 triệu đồng VN) tiền mặt giấu trong bụng tượng cá. Nguyên Phó tổng giám đốc Ngụy Tương Tân (Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc) đã nhận 100.000 nhân dân tệ tiền mặt giấu trong hộp thuốc lá.

Người hối lộ cho Trương Vĩ Hoa (nguyên phó chủ nhiệm Trung tâm quản lý xổ số thể thao quốc gia) mang đến một hộp bánh trung thu chứa đầy tiền. Có quan tham nhận được một làn hàng khô giấu một triệu nhân dân tệ (2,2 tỷ đồng VN) tiền mặt mà không hề hay biết. Đến khi cơ quan điều tra đến khám xét thì mới phát hiện ra.

Tiền hối lộ dùng làm gì?

Do Trung Quốc ngày một tăng cường chống tham nhũng, vì vậy đa số quan tham quan không dám mạo hiểm nhận hối lộ từ người lạ mà chủ yếu nhận từ người thân, bạn bè thân thiết, cấp dưới hoặc do người thân quen giới thiệu. Đa phần người trung gian trong các vụ hối lộ cũng nhận được huê hồng từ người đưa hối lộ.

Trong 100 vụ án nhận hối lộ được nghiên cứu, 62 quan tham dùng tiền bẩn để chi dùng. Hai xu hướng chủ đạo là mua xe hơi và mua nhà hoặc sửa nhà. Một số dùng tiền hối lộ để trang trải nợ nần hoặc lấp chỗ trống trong công quỹ. Có quan tham lấy tiền hối lộ để bản thân hoặc gia đình đi du lịch.

30 quan tham áp dụng chiêu “mượn gà đẻ trứng”, dùng tiền hối lộ để đầu tư dưới hình thức lập công ty (16 người), mua cổ phiếu (tám người). Bộ phận này chiếm tỷ lệ không lớn nhưng số tiền liên quan tương đối cao. 80% nhận hối lộ trên một triệu nhân dân tệ (2,2 tỷ đồng VN).

Trong số 100 vụ án nêu trên, có tám quan tham dùng tiền hối lộ để chăm lo cho đời sau. Ví dụ như Kim Đức Dân (nguyên phó tổng giám đốc Công ty phát triển quốc lộ Thủ Đô ở Bắc Kinh) đã dùng tiền hối lộ để mua bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm thân thể cho con gái.

Trong hơn 100 vụ án được nghiên cứu, có 63 người trong độ tuổi 40-59. Đây là độ tuổi tập trung quyền lực nhất trong sự nghiệp quan trường và cũng là độ tuổi có mối quan hệ xã hội rộng rãi. Đặc biệt tuổi 59 là tuổi sắp về hưu, rất nhiều người có tâm lý làm một mẻ lớn, vì vậy tỷ lệ nhận hối lộ tương đối cao. Ngoài độ tuổi trên, có 18 người trong độ tuổi 27-39.

HỒNG ANH (Theo báo Kinh tế Trung Quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm