Trùng Khánh (Trung Quốc): Sốt cử nhân làm cán bộ thôn

Hiện nay, do áp lực việc làm, nhiều cử nhân đại học đang chuyển hướng tìm việc làm xuống vùng nông thôn, nhất là tại TP Trùng Khánh, nơi đang xây dựng khu thử nghiệm triển khai cải cách thống nhất thành thị-nông thôn.

Cuối năm 2008, TP Trùng Khánh kết thúc công tác đăng ký thi tuyển vào vị trí cán bộ thôn năm 2009. Tổng cộng có 40.733 sinh viên sắp tốt nghiệp đại học trong năm 2009 đăng ký dự thi. Trong khi đó, số lượng cần tuyển chỉ 2.500 người. Tỷ lệ chọi là 16:1 trong khi năm trước tỷ lệ chọi chỉ 6:1.

Từ năm 2008, Trùng Khánh đã khởi động kế hoạch tuyển dụng nhân tài làm việc tại nông thôn. Theo kế hoạch, từ năm 2008-2012, Trùng Khánh sẽ tuyển dụng, đưa về nông thôn 32.511 cử nhân đại học. Số trí thức này được phân bổ vào các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và cơ quan hành chính tại các thị trấn, xã, thôn.

Trong số này, 22.525 cử nhân đại học được đưa vào làm việc trong cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng, cơ cấu y tế, trường học, cơ cấu dịch vụ kỹ thuật nông thôn tại các thị trấn và xã. Số còn lại sẽ được đưa dần xuống công tác tại cơ quan hành chính thôn trong thời gian năm năm, mỗi năm khoảng 2.000 người.

Dự kiến đến năm 2012, Trùng Khánh sẽ nâng tỷ lệ cán bộ thị trấn, xã có trình độ từ cao đẳng trở lên từ 25% lên 35%, số cán bộ có trình độ đại học chiếm trên 30% các ủy ban nhân dân và cơ quan Đảng tại thôn.

Nhu cầu là vậy nhưng khác xa trí tưởng tượng của nhiều cử nhân đại học trước khi nhận công tác làm cán bộ thôn, đa phần các vị trí về nông thôn là làm công việc đơn giản như thu thập tài liệu, thống kê số liệu, đi họp...

Tăng Yến vốn là cử nhân khoa Văn học tiếng Hán Đại học Sư phạm TP Trùng Khánh. Cô có điểm thi cao thứ hai trong kỳ thi tuyển cán bộ thôn tại khu vực Du Bắc. Cô được phân công vào vị trí trợ lý chủ nhiệm thôn Kiều Điền. Công việc cô được giao tại đây chỉ là nâng cấp hệ thống máy vi tính.

Theo phân tích của Phòng Tổ chức TP Trùng Khánh, trong 2.021 cán bộ trí thức ở thôn được tuyển trong năm 2008, số cử nhân chuyên ngành văn chiếm 75,1% trong khi các chuyên ngành cần thiết cho nông thôn như nông, lâm, ngư nghiệp, công nghệ lại chiếm không đến một phần tư.

Trong công tác đưa trí thức về nông thôn còn tồn tại hiện tượng không thích ứng hai chiều. Nếu trí thức không thích ứng với môi trường công tác tại thôn thì nông dân cũng không thích ứng được với cách làm việc của trí thức.

Kết quả điều tra tại huyện Đại Thông cho thấy hơn 70% người dân hy vọng cử nhân đại học phải có kỹ thuật, có năng lực, có cách nghĩ riêng đem lại lợi ích thực tế cho dân. Trong thực tế, rất nhiều cử nhân đại học xa rời thực tế.

Ông Cát Bồi Quân, Trưởng phòng Tổ chức huyện Đại Thông, nhận xét: “Nhiều cán bộ trí thức không làm tròn trách nhiệm, ngại tiếp xúc với dân. Họ coi việc làm cán bộ thôn là bước đệm chờ ngày thành công chức hoặc đi nghiên cứu sinh. Họ không vào nhà dân, không giải quyết công việc trong thôn nên yêu cầu xây dựng nông thôn mới vẫn chưa đạt. Chính vì vậy nên căn cứ vào nhu cầu phát triển tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) để đặt ra tiêu chuẩn cho cán bộ trí thức”.

TP Trùng Khánh đã ban hành Biện pháp tạm thời quản lý cử nhân đại học về công tác tại thôn. Văn bản này quy định rõ việc triển khai bồi dưỡng đối với cán bộ thôn là cử nhân đại học. Theo quy định, trước khi nhận công việc ở nông thôn, cử nhân đại học ít nhất phải qua một tháng bồi dưỡng về khả năng thích nghi với công việc. Tuy nhiên trong thực tế, phần lớn cán bộ trí thức ở thôn đều ngồi chơi xơi nước.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã, Nhân dân nhật báo)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm