Trở về và tấn công

Sau vụ Al Qaeda đánh bom các đoàn tàu hỏa ngày 11-3-2004 tại Madrid (191 người chết, gần 1.900 người bị thương), không có vụ khủng bố nào xảy ra ở Tây Ban Nha. 13 năm sau đã xảy ra hai vụ đâm xe ở Barcelona và Cambrils hôm 17-8. Vì sao?

Vì sao là Tây Ban Nha?

Tây Ban Nha đã tham gia liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu. Từ tháng 10-2014, Tây Ban Nha đã điều động 300 cố vấn quân sự đến hỗ trợ cho Iraq. Tại Syria, quân Tây Ban Nha đã hỗ trợ liên minh về hậu cần và tài chính. Ngoài ra, Barcelona là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới nên IS đánh giá có cơ hội gây tiếng vang. IS cũng đã hô hào chiếm lại lãnh thổ Al Andalus (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần nước Pháp hiện nay) từng bị quân Hồi giáo Trung Đông chinh phục, sau đó rơi vào tay người Ki tô giáo.

Có nhiều dấu hiệu báo trước Tây Ban Nha sẽ bị tấn công. Năm 2015, nước này đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp 4 trên thang năm cấp. Hồi tháng 6-2017, CIA cũng đã cảnh báo bọn khủng bố đã chọn Barcelona làm mục tiêu ưu tiên.

Theo ông David Morin, đồng giám đốc Trung tâm Quan sát về cực đoan hóa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại ĐH Sherbrooke (Canada), lâu nay IS xem Tây Ban Nha là hậu cứ vì đây là vùng đất quá cảnh giữa Bắc Phi và châu Âu. Bọn IS đến từ Morocco sẽ ghé qua đây để xâm nhập vào Pháp và Bỉ. Barcelona cũng chính là trung tâm tuyển quân của chúng.

GS Jean-Pierre Filiu ở Học viện Chính trị Paris nhận xét lần này, qua các vụ tấn công ở Tây Ban Nha hôm 17-8, IS muốn “ghi dấu ấn” để chứng tỏ chúng vẫn còn hiện diện mặc dù thất trận tại Syria và Iraq. Chiến lược này được tiến hành song song với làn sóng hồi hương của các phần tử IS.

Tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công ở Barcelona ngày 18-8. Ảnh: AFP

Hiểm họa từ các phần tử IS hồi hương

Đến cuối năm 2016, đã có 204 công dân Tây Ban Nha hoặc thường trú nhân ở Tây Ban Nha sang Syria và Iraq gia nhập khủng bố, bao gồm 20% là công dân Tây Ban Nha, 65% là dân Morocco và 15% mang quốc tịch khác. Tây Ban Nha đã từng cảnh báo mối đe dọa đến từ các phần tử IS người Tây Ban Nha về nước và các cá nhân trong nước tự chuyển biến thành phần tử cực đoan.

Cuối tháng 7 vừa qua, mạng lưới Cảnh báo cực đoan hóa châu Âu (thuộc Ủy ban châu Âu) cũng đã công bố báo cáo cảnh báo tình hình bọn khủng bố nước ngoài trong IS và Al Qaeda trở về nước. Theo báo cáo, hơn 42.000 phần tử nước ngoài của hơn 120 quốc gia đã gia nhập IS từ năm 2011 đến 2016. Trong đó có gần 5.000 tên là dân châu Âu. Đến nay đã có 15%-20% thiệt mạng, 30%-35% quay về và khoảng 50% còn ở lại Syria và Iraq.

Báo cáo lưu ý số phần tử IS trở về châu Âu sẽ gia tăng trong thời gian tới. Hiện tượng này xảy ra chậm nhưng tăng dần. Ước tính số trở về châu Âu gồm 1.200-3.000 tên. Các nước trở về chủ yếu là Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Áo, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển và Tây Ban Nha.

Chúng hồi hương vì nhiều nguyên nhân: Trở về để tổ chức tấn công, trở về gia nhập các nhóm nằm vùng để có cuộc sống đỡ cực hơn, hối hận hoặc thất vọng với guồng máy IS, đã bị bắt giữ và bị trục xuất về nước. Một số tên trở về đã tham gia các vụ tấn công hồi tháng 11-2015 ở Paris, tháng 5-2014 và tháng 3-2016 ở Brussels.

IS và Al Qaeda vẫn nguy hiểm

Trong khi đó, trong báo cáo trình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 11-8, các chuyên gia LHQ khẳng định IS và Al Qaeda vẫn tiếp tục là mối đe dọa. Báo cáo ghi nhận:

- Các vụ tấn công ở châu Âu xảy ra trong nửa đầu năm 2017 đã cho thấy châu Âu là khu vực ưu tiên của IS. Song không có vụ tấn công nào do bọn chóp bu IS chỉ đạo.

- Tại Iraq và Syria, bọn chóp bu IS đã trốn khỏi

Mosul và Raqqa trước khi hai cứ điểm này bị tấn công. Trên bán đảo Ả Rập, IS và Al Qaeda vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng.

- Ở Bắc Phi, các nhóm IS vẫn tổ chức tấn công tại Libya dù bị đánh bật khỏi Syrte. Hiện IS có 400-700 quân ở Libya. Ở Tây Phi, các nhóm có liên hệ với IS và Al Qaeda tiếp tục đe dọa Mali và vùng dưới sa mạc Sahara. Đông Phi đang bị Al-Shabaab (quân số 6.000-8.000 tên) đe dọa.

- Tại Afghanistan, quân số của IS còn ít và Taliban vẫn thân với các nhóm Al Qaeda. Đông Nam Á đang rất bấp bênh. Tối thiểu có bảy vụ tấn công xảy ra ở Malaysia, Indonesia và Philippines trong năm 2016 do các phần tử thân cận với IS thực hiện.

Báo cáo của LHQ nhận định các nguồn cung cấp tài chính cho IS từ khai thác dầu thô và đánh thuế dân địa phương về cơ bản không thay đổi. IS vẫn có thể tiếp tục chuyển tiền cho các chân rết trên toàn thế giới. IS cũng đã chuyển tiền đến các khu vực không thuộc lãnh thổ kiểm soát để đề phòng thất trận ở Syria và Iraq.

Các nhà nghiên cứu đã gọi kiểu tấn công khủng bố bằng cách đâm xe ở Tây Ban Nha hôm 17-8 là “kiểu khủng bố giá rẻ”. Al Qaeda đã truyền bá “kiểu khủng bố giá rẻ” này từ những năm 2004-2005. Sau đó IS hô hào kích động: “Các bạn hãy sử dụng những gì có sẵn, một chiếc xe, một con dao, một hòn đá”. “Kiểu khủng bố giá rẻ” có nhiều ưu điểm như dễ tổ chức, khó ngăn chặn, tương quan giữa chi phí/hiệu quả rất lớn. Bọn khủng bố không cần kinh qua đào tạo. Ai cũng có thể thực hiện được, từ bọn khủng bố nằm vùng, phần tử thánh chiến xâm nhập cho đến các cá nhân tự cực đoan hóa. Chi phí tấn công không tốn kém nên hung thủ có thể tự xoay xở. Mục tiêu có sẵn khắp nơi. Chiến lược này nhằm làm tiêu hao đối phương từng chút một.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm