Trịnh Châu (Trung Quốc): Nộp tiền thay vì ngồi tù

Anh Lưu Toàn đánh một người bị thương nhẹ chỉ vì tranh giành chỗ bán hàng trong chợ đêm. Công an nhận định hành vi của anh Toàn đã cấu thành tội cố ý gây thương tích và đề nghị Viện Kiểm sát (VKS) thị xã Tân Mật thuộc TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) phê chuẩn lệnh bắt giam anh Toàn.

VKS thị xã Tân Mật tiến hành hòa giải vì xét hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Toàn và nhận thấy hành vi của anh tương đối nhẹ. Cuối cùng, VKS yêu cầu anh Toàn nộp 31.000 nhân dân tệ (88,66 triệu đồng VN) tiền bảo đảm bồi thường cho nạn nhân để khỏi phải ngồi tù.

Theo thống kê của VKS TP Trịnh Châu, mỗi năm VKS thụ lý hơn 10.000 vụ án nhưng chỉ có khoảng 30% vụ án thuộc loại hình sự nghiêm trọng. 70% còn lại đều thuộc tội phạm hình sự nhẹ với mức phạt tù từ ba năm trở xuống, bị quản chế hoặc bị xử phạt hành chính.

Trịnh Châu (Trung Quốc): Nộp tiền thay vì ngồi tù ảnh 1

Biếm họa của TÂN HOA XÃ. Chữ trên tờ giấy người dưới ảnh cầm = Sổ tiết kiệm tiền bảo đảm bồi thường. Chữ trên tờ giấy người phía trên ảnh = Bồi thường.

Trong bối cảnh ấy, VKS TP Trịnh Châu quyết định thực hiện cơ chế cho tại ngoại chờ xét xử đối với một số vụ án hình sự nhẹ và bắt đầu thực hiện cơ chế hòa giải trước khi bắt giam chờ xét xử.

Tuy nhiên trong thực tế, cơ chế hòa giải gặp phải một số vấn đề khó khăn. Khoảng 40%-50% người bị hại đưa ra yêu cầu không hợp lý khi thương lượng hòa giải bồi thường, từ đó dẫn đến tỉ lệ hòa giải thành rất thấp.

Do đó, từ tháng 7, VKS TP Trịnh Châu đã chỉ đạo cho VKS thị xã Tân Mật thực hiện thí điểm cơ chế nộp tiền bảo đảm bồi thường nhằm bổ sung khiếm khuyết trong cơ chế hòa giải hình sự. Để tránh lạm dụng cơ chế trên, VKS đưa ra những điều kiện nghiêm ngặt và biện pháp kèm theo.

Cơ chế nộp tiền bảo đảm bồi thường chủ yếu phù hợp với bốn loại vụ án hình sự ở mức độ nhẹ: Cố ý gây thương tích ở mức độ nhẹ; phạm tội do sơ suất thông thường; trẻ vị thành niên phạm tội lần đầu; người phạm tội là người già và người tàn tật.

Yêu cầu đề ra là phải có chứng cứ đầy đủ, sự thật rõ ràng, người phạm tội tự nguyện nhận tội, mức bồi thường cơ bản đã được xác định, nghi can và gia đình đồng ý nộp tiền bảo đảm bồi thường.

VKS thị xã Tân Mật đã khảo sát các bản án về bồi thường của Tòa án thị xã Tân Mật trong ba năm gần đây, đồng thời nghiên cứu điều kiện phát triển kinh tế và khả năng tài chính của người dân địa phương.

Từ đó, VKS đưa ra nguyên tắc xác định tiền bảo đảm bồi thường không cao hơn mức bồi thường tối đa do tòa phán quyết và trong khả năng chi trả của người dân có thu nhập trung bình. Ví dụ trong vụ án gây thương tích nhẹ, tiền bảo đảm bồi thường từ 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ (85,8-143 triệu đồng VN).

Giáo sư Lỗ Tông Nhạc ở Học viện Pháp luật Đại học Trịnh Châu nhận xét, cơ chế tiền bảo đảm bồi thường được phát triển trên cơ sở hòa giải và có lợi cho việc hàn gắn các mối quan hệ xã hội căng thẳng.

Sau khi VKS thị xã Tân Mật thực hiện thí điểm cơ chế tiền bảo đảm bồi thường, đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Một số người cho rằng cơ chế này sẽ dẫn đến tình trạng bỏ tiền mua tội, nộp tiền miễn bị bắt và sẽ phát sinh tham nhũng.

Nhiều ý kiến khác cho rằng nếu hai bên không hòa giải được thì nên để tòa án quyết định mức bồi thường, ngoài ra dù tiền bảo đảm bồi thường không phải do VKS thu nhưng quyền quyết định thu hay không lại thuộc về VKS nên quyền lực này dễ dẫn đến giao dịch tiền-quyền.

HOÀNG HẠNH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm