Triều Tiên trước bước ngoặt sáng-tối

Sau hàng loạt phản ứng ngoại giao tích cực của Bình Nhưỡng về vấn đề an ninh và hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ đe dọa sẽ hủy Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào tháng 6 tại Singapore. Các động thái đáp trả của Mỹ cho thấy tình hình bán đảo Triều Tiên có thể bước vào bước ngoặt lịch sử.

Những tín hiệu thăm dò Triều Tiên từ Mỹ

Trong khi ông chủ Nhà Trắng chưa đưa ra một mô hình mạch lạc nào cho việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, thì cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và một số quan chức cấp cao Nhà Trắng lại nhắm đến mô hình Libya, một cơn ác mộng đối với những nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Năm 2003, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tiến hành giải giáp vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Tổng thống Mỹ đương thời là George W. Bush đã ca ngợi đó là một hình mẫu cho tất cả quốc gia muốn mở rộng hợp tác với Mỹ. Không ai ngờ rằng chưa đầy một thập niên sau đó, Gaddafi bị lật đổ với sự giúp sức của Mỹ và NATO.

Cố vấn John Bolton, một điển hình của trường phái diều hâu, không ít lần phát biểu công khai trên báo chí và truyền hình muốn Triều Tiên đi theo con đường Libya năm 2003-2004. Gần hai tháng trước, ông Bolton công khai ủng hộ tấn công phủ đầu vào Triều Tiên trên tờ Wall Street Journal và kêu gọi Mỹ không nên chờ đợi đến những thời khắc cuối cùng.

Khác với cách tiếp cận khá thô bạo và lộ liễu của Bolton, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hướng về Bình Nhưỡng một cách mềm dẻo hơn. Pompeo cho biết Mỹ và Triều Tiên đang trong giai đoạn hoàn thiện những cam kết để đảm bảo được mục tiêu của Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang say sưa với những ca ngợi cho giải thưởng Nobel Hòa bình cho những tiến triển gần đây ở bán đảo Triều Tiên. Diễn biến thời gian qua cho thấy ông Trump đã để lộ cách tiếp cận mềm mỏng với Triều Tiên hơn là cứng rắn như cố vấn Bolton. Đương kim tổng thống Mỹ đang thể hiện khát khao về một cuộc thượng đỉnh Trump-Kim để lại dấu ấn lịch sử cho nhiệm kỳ làm tổng thống.

Hôm thứ Năm vừa rồi (giờ địa phương), ông Trump khẳng định các quan chức Mỹ và Triều Tiên vẫn đang chuẩn bị cho thượng đỉnh vào tháng 6 ngay cả khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ hủy bỏ cuộc gặp có thể làm nên lịch sử này. Tín hiệu từ ông chủ Nhà Trắng ban đầu khá mơ hồ: “Nếu cuộc gặp (Mỹ-Triều) diễn ra thì nó sẽ diễn ra. Còn nếu không, chúng tôi sẽ tiến hành bước tiếp theo. Chúng tôi có thể gặp nhau nhưng cũng có thể không. Nếu không gặp nhau, mọi thứ sẽ rất thú vị. Hãy chờ xem điều gì xảy ra”.

Ông Kim Jong-un đang nhận được những tín hiệu chọn lựa “hòa bình hoặc hủy diệt” từ Mỹ. Ảnh: GETTY

Định hình tuyên bố “cây gậy và củ cà rốt”

Sau những lúng túng ban đầu trước các đề xuất của Bolton về phiên bản Libya 2003 với Triều Tiên, ông Trump bắt đầu định hình rõ ràng hơn thông điệp gửi đến Bình Nhưỡng. Washington hiểu ra việc “bật đèn xanh” cho mô hình Libya và dùng các lời lẽ hiếu chiến sẽ khó có thể chạm đến sự nhượng bộ của một quốc gia vũ trang hạt nhân như Bình Nhưỡng.

Ông chủ Nhà Trắng dù chưa đề xuất một mô hình chính xác với Triều Tiên về phi hạt nhân hóa nhưng đã bác bỏ ý tưởng “mô hình Libya” mà Bolton và các quan chức diều hâu chủ trương. “Mô hình Libya không phải là mô hình khi Mỹ nghĩ đến trường hợp Triều Tiên” - ông Trump nói. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tiếp tục vận hành đất nước của mình, một quốc gia mà theo ông Trump sẽ rất tráng lệ.

Tuy nhiên, ông Trump cũng bày tỏ sự quyết đoán trong trường hợp phải sử dụng đến “cây gậy” nếu Bình Nhưỡng không chấp nhận nhượng bộ. Nhà Trắng cảnh báo nếu thượng đỉnh Trump-Kim không diễn ra, Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch áp lực tối đa với Bình Nhưỡng. Thẳng thắn hơn, ông Trump cảnh báo Triều Tiên có thể bị “hủy diệt” nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ chối làm việc với Mỹ.

Ông Trump trấn an Bình Nhưỡng bằng việc lý giải rằng mô hình Libya là một trường hợp rất khác (so với những gì Mỹ muốn thực hiện với Triều Tiên). “Chúng tôi đã hủy diệt đất nước đó. Chúng tôi chưa bao giờ nói với ông Gadhafi rằng chúng tôi có ý định bảo vệ ông ấy. Chúng tôi tiến vào và tiêu diệt ông ta, và chúng tôi cũng làm điều tương tự với Iraq” - ông Trump nói.

Những bình luận này của ông Trump một mặt nhấn mạnh cam kết Mỹ sẽ đảm bảo an toàn cho chính quyền Kim Jong-un nếu quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra nhưng mặt khác cảnh báo Bình Nhưỡng có thể sẽ gặp chung số phận với Libya và Iraq nếu phớt lờ việc thỏa thuận.

Ông Trump nhấn mạnh viễn cảnh Triều Tiên bị hủy diệt và ông Kim Jong-un bị tước hết quyền lực nếu Mỹ và Triều Tiên không đạt thỏa thuận trong thượng đỉnh Trump-Kim dự kiến diễn ra vào tháng tới. Ở điểm này thì ông Trump và cố vấn Bolton đã có sự thống nhất, khi Bolton nói với Fox News rằng Mỹ muốn làm tất cả những gì trong khả năng để thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra thành công. Nhưng sẽ không có một sai lầm nào xảy ra nếu Mỹ không thấy được cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ không lặp lại những sai lầm của những chính quyền tiền nhiệm và rơi vào những cuộc thương thuyết bất tận với Triều Tiên” - Bolton khẳng định.

Với tính cách và những gì từng thể hiện ở Syria, Iran hay Jerusalem, đúng như hàm ý của Victor D. Cha, cố vấn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng thời chính phủ George W. Bush, nhận định trên The New Yorker, ông Trump dường như chuẩn bị tiến hành một hành động mang tính lịch sử nhưng hòa bình hay hủy diệt thì chưa thể biết trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm