Triều Tiên thử bom, Hàn Quốc báo động

Thông tin CHDCND Triều Tiên thử bom nhiệt hạch (bom hydro hay bom H) đã gây chấn động dư luận quốc tế. Theo đề nghị của Mỹ và Nhật, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp khẩn cấp tại New York.

Triều Tiên nói thử bom H thu nhỏ

Trước đó, trưa 6-11 (giờ địa phương), đài truyền hình trung ương CHDCND Triều Tiên (KCTV) đã phát thông báo của chính phủ Triều Tiên trong bản tin đặc biệt.

Thông báo cho biết Triều Tiên đã thử nghiệm thành công bom H đầu tiên lúc 10 giờ cùng ngày theo quyết định của Đảng Lao động Triều Tiên.

Thông báo nêu mục đích vụ thử nhằm xác nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật của bom H và qua thử nghiệm, sức mạnh của bom H thu nhỏ đã được chứng minh về khoa học.

Thông báo nhấn mạnh: “Cuộc thử nghiệm bom H là một biện pháp tự vệ để bảo đảm quyền sống còn của dân tộc và quyền tự quyết của đất nước…”.

Thông báo kêu gọi quân đội và nhân dân Triều Tiên “tiếp tục củng cố các phương tiện trả đũa hạt nhân hàng loạt… trong 1.000 năm hay 10.000 năm nữa”.

Vụ thử bom xảy ra hai ngày trước ngày sinh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ngày 6-1, người dân Seoul xem truyền hình vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: YTN

Gây chấn động như động đất

CHDCND Triều Tiên đã không báo trước vụ thử bom. Trước đó, Triều Tiên đều báo trước trong ba lần thử hạt nhân ngày 9-10-2006 (gây chấn động 3,7 độ Richter), ngày 25-5-2009 (4,5 độ Richter) và ngày 12-2-2013 (4,9 độ Richter).

AFP đưa tin hai tiếng trước khi Triều Tiên thông báo vụ thử bom đầu tiên, Viện nghiên cứu địa chất Mỹ ghi nhận động đất với cường độ 5,1 độ Richter đã xảy ra ở Triều Tiên.

Tâm chấn ở độ sâu 0 km, cách Kilju khoảng 50 km, tức gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Cục Khí tượng Hàn Quốc lại ghi nhận cường độ thấp hơn, chỉ 4,8 độ Richter.

Người phát ngôn chính phủ Nhật tuyên bố đây có thể là một vụ thử hạt nhân ở Triều Tiên.

Cơ quan địa chấn Trung Quốc cũng nghi ngờ chấn động có thể là vụ nổ vì hai năm trước hiện tượng tương tự đã xảy ra khi Triều Tiên thử hạt nhân.

Dân Trung Quốc cư trú gần biên giới CHDCND Triều Tiên đã sơ tán vì chấn động.

Từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc dừng phát triển hạt nhân là điều không thể tưởng tượng được cho dù trời có sập trước khi Mỹ loại trừ chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên.

Thông báo của chính phủ CHDCND Triều Tiên

Hàn Quốc tăng mức báo động

Hãng tin Yonhap đưa tin tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Văn phòng tổng thống cũng đã triệu tập cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã tiếp xúc với đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert và tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Curtis Scaparrotti.

Sau đó, ông đã điện đàm với những người đồng cấp ở Mỹ, Nhật, Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố quân đội đã tăng mức báo động. Hai tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Hàn Quốc đã điện đàm với nhau.

Hàn Quốc đã triển khai xe tăng đến gần khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Quân đội Mỹ đã điều động một máy bay trinh sát phân tích khí quyển WC-135 Constant Phoenix cất cánh từ căn cứ Mỹ tại Okinawa (Nhật) để phân tích không khí xung quanh bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên.

Bom H có sức tàn phá nhiệt lớn hơn

Triều Tiên thử bom, Hàn Quốc báo động ảnh 2
 
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền (ảnh), Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, giải thích: Về lý thuyết, bom nguyên tử (bom A) hoạt động theo nguyên lý phân hủy hạt nhân nặng (còn gọi là phân hạch). Quá trình nổ gây ra phản ứng dây chuyền. Còn bom nhiệt hạch (bom H) là phản ứng tổng hợp hạt nhân nhẹ để tạo ra hạt nhân nặng.

Chu trình tổng hợp bom H phải có nhiệt độ cực cao để đưa các hạt nhân gần đủ để xảy ra phản ứng tổng hợp hạt nhân, do các hạt nhân có tích điện dương, đẩy nhau. Chính vì thế bom H có sức tàn phá nhiệt lớn hơn nhiều lần bom nguyên tử tính trên cùng một khối lượng. Các vụ nổ có sức tàn phá khác nhau tùy vào khối lượng lớn hay nhỏ.

Về sức công phá, bom H ít để lại hiểm họa phóng xạ và di chứng lâu dài khi phát tán các mảnh vỡ phóng xạ và các nguyên tố phóng xạ trong môi trường như bom hạt nhân. Bom H khi nổ sẽ tạo ra nhiệt lượng cực lớn hoặc ánh sáng trắng phá hủy mọi thứ, tùy vào cột nhiệt tỏa ra lớn hay nhỏ.

PGS-TS Nguyễn Nhị Điền bình luận: “Vụ nổ bom H gây chấn động 5,1 độ Richter là không lớn lắm. Xưa nay hiếm ghi nhận các quốc gia dùng bom H tấn công đối phương trong chiến tranh. Với vụ thử hạt nhân này, có lẽ CHDCND Triều Tiên muốn chứng tỏ thành tích nghiên cứu khoa học nhiều hơn với bên ngoài”.

Ông cho biết hiện chưa có số liệu chính thức về các lò tổng hợp nhiệt hạch quân sự. Tuy nhiên, trên thế giới đã có lò tổng hợp nhiệt hạch dân sự tại Marseille (Pháp) khởi công xây dựng cách nay vài năm. Lò có quy mô vốn đầu tư 10 tỉ USD, ban đầu gồm bảy nước góp tiền xây dựng để nghiên cứu chung. Dự kiến lò sẽ được đưa vào vận hành, nghiên cứu vào năm 2017.

Điều đáng quan tâm là đối với lò phản ứng hạt nhân, vật liệu để giữ nhiệt chỉ ở nhiệt độ 300 độ C, còn đối với lò tổng hợp nhiệt hạch thì vật liệu chịu nhiệt phải lên đến hàng ngàn độ.

PHONG ĐIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm