Triều Tiên bên bờ vực đánh mất đồng minh

Sự thật về cái chết hôm 13-2 của người đàn ông mang hộ chiếu ngoại giao Triều Tiên tên Kim Chol, được cho là ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Vụ việc càng phức tạp hơn bởi hàng loạt tuyên bố mâu thuẫn. Tờ The Telegraph nhận định liên tiếp các vụ lùm xùm từ thử tên lửa đến nghi án Kim Jong-nam đang có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế của nước này.

Túi tiền bị khóa chặt

Bắc Kinh, một đồng minh lâu năm của Bình Nhưỡng, ngày 18-2 đã thông báo sẽ dừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên cho tới cuối năm 2017, thể theo lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê duyệt đầu tháng 2. Tuy nhiên, chuyên gia an ninh châu Á William Choong (Singapore) cho rằng nghi án ông Kim Jong-nam bị sát hại nhiều khả năng là động cơ thúc đẩy quyết định của Bắc Kinh.

Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Triều Tiên. Theo Cơ sở dữ liệu thương mại quốc tế BACI, Trung Quốc chiếm 90% giao dịch thương mại với Triều Tiên. Đến 40% than xuất khẩu của Triều Tiên có điểm đến là Trung Quốc, hãng thông tấn Yonhap cho biết. Vì vậy, quyết định của Bắc Kinh được nhận định là đã đánh trực tiếp vào túi tiền của chính quyền ông Kim Jong-un.

Cũng có phân tích cho rằng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét “các lệnh trừng phạt thứ cấp” nhằm cả vào các quốc gia có giao dịch với Triều Tiên. Ông John Nilsson-Wright, Viện Chính sách ngoại giao Chatham House, cho rằng các lệnh trừng phạt phụ này có thể nhắm đến các ngân hàng Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên. Sức ép này cũng có thể khiến Bắc Kinh cân nhắc cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Trước động thái này, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 23-2 đã bất ngờ chỉ trích Trung Quốc “hùa theo Mỹ”, lên án “nước láng giềng” đã “có những bước đi vô nhân đạo khi ngăn chặn hoàn toàn ngoại thương vốn để cải thiện đời sống người dân”. Tờ Thời Báo Hoàn Cầu lo ngại quan hệ hai nước có thể tiếp tục xấu đi.

Những diễn biến ngoại giao có chiều hướng bất lợi trong thời gian qua có thể đẩy nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên ông Kim Jong-un vào thế khó. Ảnh: AP

Thiêu rụi “cây cầu” Malaysia

Các diễn biến xoay quanh nghi án sát hại Kim Jong-nam tại Malaysia, cùng với chủ trương xây dựng cường quốc hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng mở ra nguy cơ thiêu rụi “cây cầu” đặc biệt quan trọng nối Triều Tiên với thế giới.

Trong nhiều năm, Malaysia đóng vai trò là cửa ngõ để các quan chức Triều Tiên giao tiếp với thế giới. Trong những năm gần đây, Kuala Lumpur vẫn là nơi tổ chức các cuộc họp kín giữa các đại diện của Bình Nhưỡng và Washington, theo Japan Times. Malaysia cũng đồng thời là đối tác xuất nhập khẩu thân thiết của Triều Tiên với tổng giá trị thương mại khoảng 5,2 triệu USD.

Cuộc khủng hoảng về niềm tin giữa Bình Nhưỡng và Kuala Lumpur đang đẩy mối quan hệ đến sát bờ vực đổ vỡ. Các nhà quan sát không loại trừ khả năng Malaysia sẽ đình chỉ hiệp định miễn visa với Triều Tiên, tương tự cách Singapore đã làm vào năm 2016 để phản đối cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng, theo Japan Times. Điều này sẽ không giúp ích gì cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un, người đang chủ trương cải cách nền kinh tế đất nước.

Triều Tiên lại sắp thử hạt nhân?

Hoạt động tại cơ sở hạt nhân Punggye-ri cho thấy Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử bom hạt nhân mới bất kỳ lúc nào, hãng tin Sputnik hôm 26-2 dẫn thông tin từ cơ quan giám sát Triều Tiên cho biết. “Trang thiết bị và kho hậu cần đã được chuyển dịch vị trí, còn hệ thống ống dẫn tại nhà máy cũng có sự thay đổi bổ sung, điều này cho thấy đường hầm thử nghiệm đang được sử dụng” - trang 38 North cho biết.

AN MIÊN

1.000 theo Japan Times, hiện đang có gần 1.000 công dân Triều Tiên làm việc tại Malaysia. Bộ phận người Triều Tiên làm việc tại nước ngoài là nguồn cung cấp ngoại tệ quý giá cho
Bình Nhưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm