Tranh cãi ‘tháp ăn khói bụi’ trị ô nhiễm ở Trung Quốc

Theo hãng tin Sputnik ngày 25-11, các tòa tháp này là sản phẩm của Công ty Studio Roosegaarde (Hà Lan). Công ty Roosegaarde tuyên bố không khí ô nhiễm ở mức PM2,5 đã được thanh lọc hoàn toàn khỏi bầu không khí của đất nước 1,3 tỉ dân này.

Theo đó, công ty Hà Lan cho hay các tháp hút bụi cao 7 m này đã làm sạch 30 triệu m3 không khí trong vòng 41 ngày qua. Lượng khí thải thu được này sẽ được dùng để chế tạo 300 chiếc nhẫn kỷ niệm. Mỗi chiếc nhẫn sẽ chứa một lượng nhỏ các hạt bụi bên trong.

ô nhiễm Bắc Kinh

Tháp hút khói bụi do Công ty Studio Roosegaarde, Hà Lan sản xuất. Ảnh: INHABITAT

Trên trang web của công ty, Studio Roosegaarde cho hay ý tưởng thực hiện các tháp hút bụi nhen nhóm khi các nhà đại diện của Roosegaarde đến thăm Bắc Kinh cách đây ba năm. Tại đây, các chuyên gia đã ghi nhận 80% cư dân của TP này đang phải tiếp xúc với bầu không khí ô nhiễm vượt quá hạn mức quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mặc dù kết quả trước mắt đầy hứa hẹn nhưng nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã đặt nghi vấn về tính hiệu quả của phát minh này. Theo một diễn đàn về môi trường của Trung Quốc (CFEJ), các tòa tháp trên chỉ có chức năng cảnh báo khói bụi và chúng không đáp ứng tiêu chuẩn của WHO.

ô nhiễm Bắc Kinh

Tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc đáng báo động trong những năm gần đây. Ảnh: SPUTNIK

CFEJ thừa nhận các tháp trên có thể lọc không khí bẩn nhưng cũng chỉ trích các tháp trên không bền vững và chỉ có thể tác động đến một khu vực nhất định. Các chuyên gia về môi trường cũng nói với hãng Tân Hoa xã rằng: “Lượng bụi bị hút vào các tháp trong một giờ còn ít hơn một muỗng muối”.

Vấn nạn về ô nhiễm không khí của Bắc Kinh đã trở nên đáng báo động trong những năm qua. Nhiều trường học tại TP này đã phải cho lắp đặt các chốt gió tại các cửa ra vào, xây dựng các mái vòm trên các khu tập luyện thể thao để bảo vệ trẻ em trước màn không khí nhiễm bẩn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm