Tổng thống tân cử Emmanuel Macron: Sẽ hàn gắn nước Pháp

“Tôi biết sự chia rẽ trong đất nước chúng ta, tình trạng này đã khiến nhiều người bỏ phiếu cho các đảng cực đoan. Tôi tôn trọng họ” - ông Macron phát biểu tại trụ sở tranh cử sau khi trúng cử. “Tôi sẽ nỗ lực lập lại mối quan hệ giữa châu Âu và người dân, giữa châu Âu và công dân”.

Chiến thắng áp đảo của ứng cử viên theo đường lối ôn hòa đã phá vỡ thế thống trị của các đảng phái chính trị truyền thống và giúp các đồng minh châu Âu có thể thở phào. Trước đó, các nước châu Âu lo ngại bầu cử Pháp sẽ một lần nữa chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, sau đợt người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu và chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ.

Phát biểu trước Bảo tàng Louvre trong điệu nhạc Khải hoàn ca, bài hát chính thức của Liên minh châu Âu, ông Macron nói: “Trong năm năm tới, tôi sẽ làm hết sức mình để không ai có lý do bầu cho cực đoan nữa”. Ở đây, ông ám chỉ những người đã bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen.

“Trong năm năm tới, tôi sẽ làm hết sức mình để không ai có lý do bầu cho cực đoan nữa" - ông Macron cam kết.

“Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề. Nó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng, bắt đầu từ ngày mai, một lực lượng đa số thực sự vững mạnh. Số đông này sẽ tạo ra thay đổi và thay đổi là cái mà đất nước này đang cần và xứng đáng có được” - ông Macron nói. Trước mắt, ông cần phải đưa được số đông người của đảng En March! (Tiến lên!) vào hạ viện trong loạt bầu cử tháng 6 tới. Ngoài ra, ông Macron cũng tuyên bố sẽ phụng sự nước Pháp theo đúng tuyên ngôn “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

Tuy ông Macron giành được số phiếu áp đảo trước bà Le Pen (66,06% và 33,94%), đây vẫn là thành tích chưa từng có của Mặt trận dân tộc Pháp trên trường chính trị. Chính sách chống toàn cầu hóa (đóng cửa biên giới, bỏ đồng tiền chung châu Âu) của bà Le Pen đã đánh trúng tâm lý bộ phận người nghèo trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, mâu thuẫn xã hội và những lo ngại về an ninh. Tỉ lệ phiếu bầu này cũng thể hiện sự chia rẽ trong nước Pháp mà bây giờ ông Macron phải nỗ lực hàn gắn.

Sau khi có kết quả đợt kiểm phiếu đầu tiên, bà Le Pen cũng đã chúc mừng ông Macron nhưng vẫn kêu gọi “tất cả người yêu nước hãy chung tay” tạo ra một “lực lượng chính trị mới” cùng bà.

Tổng thống Francois Hollance nhận định kết quả bầu cử “xác nhận rằng phần lớn công dân Pháp muốn đoàn kết quanh các giá trị của nước Cộng hòa và thể hiện sự gắn kết với Liên minh châu Âu”.

Tổng thống Francois Hollance nhận định cho thấy phần lớn người dân Pháp vẫn đoàn kết xung quanh các giá trị của đất nước và châu Âu.

Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nói với Macron: “Tôi rất vui vì quan điểm bảo vệ một châu Âu vững mạnh và tiến bộ, để châu Âu bảo vệ được người dân của nó, sẽ là quan điểm mà anh mang theo vào vị trí tổng thống”.

Sau khi có kết quả, ông Macron đã thông báo qua điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng ông sẽ sớm tới Berlin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã lên Twitter chúc mừng “chiến thắng lớn” của ông Macron và cho biết rất mong được hợp tác với ông.

Thông cáo từ văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà May cũng đã chúc mừng ông Macron. “Thủ tướng nồng nhiệt chúc mừng Tổng thống đắc cử Macron về chiến thắng của ông. Pháp là một trong những đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi và chúng tôi trông đợi được làm việc với tân tổng thống về một loạt các ưu tiên chung” - thông cáo viết.

Nhà thờ Hồi giáo ở Paris cho rằng chiến thắng của ông Macron là dấu hiệu của sự hòa giải các tôn giáo trên nước Pháp. “Đó là dấu hiệu cho thấy người Hồi giáo Pháp giờ đây có thể hy vọng họ sẽ được chung sống trong hòa bình và tôn trọng các giá trị chung của Pháp”.

Đội của ông Macron đã vượt qua các nỗ lực phá hoại chiến dịch tranh cử của ông - vụ tấn công mạng tối 5-5 để giành chiến thắng.

Bà Le Pen dù thất bại nhưng vẫn đạt được kết quả to lớn là mở rộng số người ủng hộ cho đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN).

Khi ông Macron chuyển vào điện Elysee sau lễ nhậm chức tuần sau, ông sẽ trở thành tổng thống thứ tám và cũng là tổng thống trẻ nhất của nước Pháp.

Ông dự định sẽ kết hợp cắt giảm chi phí, nới lỏng luật lao động và đầu tư hơn nữa vào đào tạo. Ông Macron vẫn giữ quan điểm chính thống về đường lối ngoại giao và quốc phòng, không muốn thay đổi các liên minh truyền thống của nước Pháp hay vai trò quân sự của Pháp ở Trung Đông và châu Phi. Chiến thắng của ông cũng thể hiện một sự thay đổi thế hệ trên trường chính trị Pháp, vốn bị thống trị bởi những gương mặt cũ từ lâu.

Ông Emmanuel Macron cũng sẽ là lãnh đạo trẻ nhất trong nhóm các nước G7 hiện tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm