Tổng thống Palestine tẩy chay cuộc gặp cấp cao với Mỹ

Đã 5 ngày kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, mặc Palestine xem đây là thủ đô của nhà nước tương lai của mình.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas quyết định sẽ không gặp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông Pence thăm khu vực sắp tới, theo Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki. Nhà Trắng nói đây là quyết định đáng tiếc và dù không gặp ông Abbas nhưng ông Pence vẫn sẽ thăm khu vực và sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.

“Không may chính quyền Palestine đã bỏ qua một cơ hội bàn về tương lai khu vực” - Reuters dẫn lời ông Jarrod Agen, người phát ngôn của ông Pence.

Trước đó phía Palestine đã bác bỏ vai trò trung gian đàm phán hòa bình Palestine-Israel của Mỹ. Trong ngày 10-12, Ngoại trưởng Maliki nói Palestine sẽ tìm kiếm một trung gian đàm phán hòa bình khác thay thế Mỹ và sẽ vận động Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết về quyết định của Tổng thống Trump.

Dù thế đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 10-12 cho biết vẫn hy vọng khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình Palestine-Israel vốn bị ngưng từ năm 2014.

Người dân Palestine biểu tình gần một khu định cư Do thái Beit El gần TP Ramallah ở khu Bờ Tây ngày 10-12, phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: REUTERS

Người dân Palestine biểu tình gần một khu định cư Do Thái Beit El gần TP Ramallah ở khu Bờ Tây ngày 10-12, phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: REUTERS

Phần lớn cộng đồng thế giới xem Đông Jerusalem là vùng đất chiếm đóng và số phận của nó sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán tương lai của Israel và Palestine.

Hội đàm và có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Paris (Pháp) ngày 10-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị Thủ tướng Netanyahu bày tỏ thái độ với người dân Palestine để tháo gỡ thế đối đầu bế tắc giữa hai bên sau diễn biến mới nhất này.

Biểu tình và bạo lực vẫn chưa kết thúc. Ngày 10-12, một cảnh sát Israel bị một người Palestine từ khu Bờ Tây sang đâm bị thương tại một trạm xe buýt ở Jerusalem.

Dù có phần lắng xuống ở Palestine nhưng biểu tình và bạo lực lại lan rộng ở các nước láng giềng, như ở thủ đô Beirut của Lebanon, thủ đô Rabat của Morocco. Trong khi đó biểu tình ở Indonesia, đất nước có tỉ lệ dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, ngày 10-12 vẫn tiếp diễn.

Theo Reuters, quyết định đảo ngược chính sách lâu dài của Mỹ về Jerusalem của Tổng thống Trump có nguy cơ tổn hại lớn đến viễn cảnh hòa bình của Trung Đông, khi kích động sự giận dữ của thế giới Ả Rập. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 10-12 gọi Israel là “đất nước xâm lược và khủng bố”.

Ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cũng phải bày tỏ lo lắng về bạo lực, kêu gọi tình hình trở lại bình thường.

“Hy vọng của chúng tôi là tình hình sẽ lắng xuống và chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường, không bạo động, không bạo lực” - ông Lieberman nói trên đài phát thanh quân đội Israel ngày 10-12.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm