Tổng thống Obama chính thức dỡ bỏ trừng phạt Myanmar

Ngày 7-10 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo dỡ bỏ trừng phạt với Myanmar bằng việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia với nước này, theo Reuters (Mỹ).

Myanmar bị Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia từ năm 1997 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Mỹ thời điểm đó cho rằng các chính sách của chính quyền quân đội Myanmar đe dọa an ninh Mỹ. Vì tình trạng khẩn cấp này, trong hai thập niên qua, cứ mỗi năm tổng thống Mỹ lại một lần gia hạn trừng phạt Myanmar.

Trong một lá thư gửi tới Quốc hội Mỹ để thông báo quyết định, Tổng thống Obama viết: “Tôi quả quyết rằng tình hình dẫn tới việc Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với Myanmar đã thay đổi đáng kể nhờ vào việc Myanmar có những bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ, bao gồm cuộc bầu cử lịch sử tháng 11-2015”.

Việc Mỹ chính thức dỡ bỏ trừng phạt đối với Myanmar sẽ cải thiện đáng kể kinh tế Myanmar cũng như quan hệ hai nước. Ảnh: USNEWS
Việc Mỹ chính thức dỡ bỏ trừng phạt đối với Myanmar sẽ cải thiện đáng kể kinh tế Myanmar cũng như quan hệ hai nước. Ảnh: USNEWS

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với Myanmar do Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài áp đặt lên Myanmar đã vô hiệu sau thông báo của Tổng thống Obama.

Myanmar cũng được Mỹ đưa lại danh sách các nước được hưởng quy chế Hệ thống Ưu đãi Phổ quát (GSP), cơ chế miễn thuế với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các nước nghèo và đang phát triển. Quy chế này sẽ khích lệ doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư vào Myanmar.

Kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp, dỡ bỏ trừng phạt này đã được Tổng thống Obama thông báo với Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi khi bà Suu Kyi thăm Mỹ tháng trước. Bản thân bà Suu Kyi đã hoan nghênh kế hoạch trên, cho rằng đây là lúc Mỹ cần dỡ bỏ tất cả lệnh trừng phạt cản trở kinh tế Myanmar, kêu gọi Mỹ đầu tư vào Myanmar.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng hồi tháng 9 năm nay.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng hồi tháng 9 năm nay. Ảnh: USNEWS

Reuters đánh giá động thái lich sử này là bước tiến quan trọng nhất trong việc hàn gắn quan hệ hai nước trong chính sách của ông Obama.

Tuy nhiên, nhiều nhóm hoạt động nhân quyền cho rằng việc dỡ bỏ trừng phạt là quá hấp tấp vì Mỹ sẽ để mất ảnh hưởng của mình đối với quân đội Myanmar. Mặc dù đảng của bà Aung San Suu Ki thắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, quân đội Myanmar vẫn còn ảnh hưởng về mặt kinh tế và chính trị.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin, một quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết ông ủng hộ việc dỡ bỏ trừng phạt nhưng cũng quan ngại về chính sách đối xử của chính quyền đối với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya, việc hòa giải giữa các dân tộc thiểu số và việc hiến pháp cho phép quân đội sở hữu 1/4 số ghế trong quốc hội.

“Thậm chí khi chúng ta dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này, chúng ta phải tập trung vào các lo ngại đang tiếp diễn liên quan tới vai trò của quân đội trong nền kinh tế và chính trị của Myanmar” - ông Cardin nói.

Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama thừa nhận Myanmar và nền dân chủ non trẻ vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ sẽ sử dụng các phương thức khác hỗ trợ Myanmar giải quyết các thách thức này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm