Tổng thống Duterte ảo tưởng về Trung Quốc

“Duterte và cán cân quyền lực Mỹ-Trung ở Đông Nam Á” là đầu đề bài viết của chuyên gia Daljit Singh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á-Yusof Ishak) đăng trên báo Straits Times ngày 15-9.

Quân đội Mỹ và Philippines tập trận chung năm 2016 tại Philippines. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ.

Bài viết đánh giá quan hệ Mỹ-Philippines hiện nay dường như đang trở lại thời kỳ khó khăn.

Ngày 10-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố: “Tôi không phải là người hâm mộ Mỹ... Trong quan hệ với thế giới, Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập”.

Chuyên gia Daljit Singh khẳng định ngoài cá nhân ông Duterte có động cơ chống Mỹ và Philippines là thuộc địa của Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20, có thể ông Duterte cần nhiều tỉ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc để vực dậy kinh tế Philippines.

Ngoài ra, ông Duterte cũng muốn đàm phán song phương với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông mà không làm phương hại đến chủ quyền và độc lập của Philippines.

Tuy nhiên, chuyên gia Daljit Singh đánh giá Tổng thống Duterte không dễ đạt được ý muốn vì các lý do như sau:

• Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì quan điểm bác bỏ phán quyết trọng tài. Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

• Không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không mở rộng và quân sự hóa bãi cạn Scarborough của Philippines.

• Trung Quốc sẽ yêu cầu cái giá chính trị đáng kể để đạt đến thỏa thuận với Philippines, ví dụ như Philippines phải từ bỏ quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Quân đội Philippines lệ thuộc nhiều vào Mỹ về viện trợ quân sự, do đó chắc chắn sẽ không nhượng bộ Trung Quốc.

Chuyên gia Daljit Singh ghi nhận yếu tố chủ chốt trong an ninh Đông Á và Đông Nam Á là cán cân quyền lực, pháp quyền và hoạt động của các định chế hợp tác an ninh như diễn đàn khu vực ASEAN, hội nghị cấp cao Đông Á.

Ba yếu tố trên là quan trọng nhưng nếu không có yếu tố cán cân quyền lực, hai yếu tố còn lại sẽ không hiệu quả.

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói chỉ có Mỹ có thể cân bằng sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực.

Từ năm 1992, Singapore đã tiếp nhận nhóm hậu cần Tây Thái Bình Dương của Mỹ.

Hàn Quốc và Nhật không chỉ cung cấp căn cứ cho Mỹ mà còn trả khoản tiền lớn để duy trì quân đội Mỹ ở lại đất nước họ.

Trong khi đó, sử dụng các căn cứ ở Philippines là điều quan trọng đối với quân đội Mỹ bởi các căn cứ ở Nhật và đảo Guam lại quá xa Đông Nam Á.

Hiện thời, nhiều nước trong khu vực sẵn sàng giúp Mỹ cân bằng quyền lực với Trung Quốc, trong đó có một số nước không dám bày tỏ công khai vì lo ngại Trung Quốc.

Thử so sánh, tiềm lực quân sự của Philippines còn nhỏ bé, GDP của Philippines chỉ khoảng 300 tỉ USD, còn tiềm lực quân sự của Trung Quốc đang bành trướng và GDP của Trung Quốc đạt 10.000 tỉ USD.

Chuyên gia Daljit Singh đặt câu hỏi: Với môi trường chiến lược như trên, nếu không có sự hiện diện về chiến lược của Mỹ cạnh Trung Quốc, liệu Philippines có đủ tự do và không gian để thực hiện chính sách đối ngoại độc lập?

Ngày 14-9, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố củng cố hợp tác an ninh với Nga là điều khẩn cấp và quan trọng. Tuyên bố được đưa ra trong cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga, đang ở Bắc Kinh tham dự vòng tham vấn song phương thứ 12 về an ninh và chiến lược và phiên họp thứ ba về cơ chế hợp tác về áp dụng luật pháp và an ninh Trung Quốc-Nga. Ông Tập nhắc lại bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu mới rồi, ông và Tổng thống Putin đã nhất trí hai nước phải tăng cường ủng hộ lẫn nhau về các vấn đề lớn và củng cố lòng tin chính trị lẫn nhau.

Tiêu điểm

Hiện thời chưa có dấu hiệu sẽ giảm bớt các lực lượng Mỹ đến các căn cứ Philippines theo Hiệp định Tăng cường hợp tác quốc phòng đã ký năm 2014 giữa Mỹ và Philippines. Ngay chính Tổng thống Duterte cũng nói sẽ tôn trọng thỏa thuận này.

Chuyên gia DALJIT SINGH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm