Tổng thống đắc cử Biden và nhiều khó khăn phía trước

Gần 4 giờ sáng 7-1 (giờ địa phương), hoàn tất chứng nhận phiếu đại cử tri sau cuộc họp xuyên đêm, Quốc hội Mỹ chính thức xác nhận ông Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Mỹ, lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ 2021-2024. Cuộc họp của Quốc hội đã phải hoãn đầu giờ vì người ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội trong nỗ lực ngăn chặn việc xác nhận chiến thắng của ông Biden. Bạo loạn đẫm máu giữa phía ủng hộ ông Trump và cảnh sát thủ đô làm ít nhất bốn người thiệt mạng, hàng chục người bị thương, hơn 50 người bị bắt.

Họ đã nói

Dù hoàn toàn không đồng ý kết quả bầu cử và thực tế đã chứng minh tôi đúng, cuộc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra đúng trình tự vào ngày 20-1. Tôi luôn khẳng định chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu để chắc chắn rằng chỉ những lá phiếu hợp pháp mới được tính đến. Dù đây là hồi kết của nhiệm kỳ đầu tiên vĩ đại nhất trong lịch sử tổng thống, nó chỉ là sự khởi đầu cuộc chiến làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Tuyên bố của Tổng thống DONALD TRUMP sau khi Quốc hội xác nhận ông Joe Biden là tổng thống đắc cử của Mỹ

Một nước Mỹ mâu thuẫn và chia rẽ 
Theo tường thuật của phóng viên kênh CNBC tại hiện trường, người biểu tình ban đầu chỉ di chuyển trên các tuyến đại lộ trung tâm thủ đô Washington, D.C. và tập trung trước tòa nhà Quốc hội, vẫy cờ và hô khẩu hiệu yêu cầu nghị sĩ ngừng kiểm phiếu. Tuy nhiên, sau đó một nhóm quá khích bắt đầu xô đẩy hàng rào cảnh sát trước tòa nhà.
Lực lượng cảnh sát do không đủ nhân lực nên bị đẩy lùi và các đối tượng thành công xâm nhập vào tòa nhà, tiến vào phòng họp của các nghị sĩ để đập phá. Lúc đó, quy trình phê chuẩn chiến thắng của ông Biden đang diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Mike Pence và với sự tham gia của các nghị sĩ. Tất cả vị này ngay lập tức phải sơ tán và chỉ bắt đầu làm việc lại khi mọi chuyện đã được kiểm soát.
Theo dõi cảnh tượng biểu tình trên truyền hình tại Nhà Trắng, ông Trump cho đăng một dòng trạng thái kêu gọi người biểu tình nên bình tĩnh, sau khi tòa nhà Quốc hội được đặt vào tình trạng phong tỏa hoàn toàn, lực lượng an ninh bắt đầu tiến hành khống chế những đối tượng còn ở bên trong.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 6-1 ở bang Delaware (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Có thể thấy những mâu thuẫn, chia rẽ kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11-2020 đến nay đã bị đẩy lên đến cực đại, dẫn đến những diễn biến chưa từng có tiền lệ nói trên. Sự việc đêm 6-1 sẽ đi vào lịch sử như một cột mốc đầy tai tiếng cho nền chính trị Mỹ. Lên tiếng về tình trạng bất ổn ở Washington, D.C., ông Biden khẳng định đây không phải biểu tình thông thường mà là cuộc nổi loạn, đồng thời khẳng định công việc trong bốn năm tới của ông chính là khôi phục nền dân chủ Mỹ. Dù vậy, chắc chắn đây sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi hàng chục triệu người vẫn còn ủng hộ ông Trump, thể hiện qua 74 triệu phiếu phổ thông ông nhận được và họ đã cho thấy sẵn sàng làm mọi thứ để đưa ông trở lại nắm quyền. Thậm chí, tờ The New York Times còn cảnh báo nước Mỹ sau ngày 6-1 có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng các vụ bạo lực có yếu tố chính trị giữa những người ủng hộ và phản đối ông Trump, đồng thời mô tả Mỹ là “đang nằm trên thùng thuốc súng”. 
Đi kèm với bầu không khí chính trị ngột ngạt là những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra khiến kinh tế Mỹ khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp tràn lan. Vấn đề khủng hoảng sắc tộc cũng ngày càng sâu sắc, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người da màu ở Mỹ.
Nhận diện điểm sáng
Dù bức tranh xã hội và chính trị khá đen tối, song những chuyển động hiện tại vẫn mang lại cho ông Biden cùng đội ngũ một số lợi thế nhất định mà nếu biết cách nắm bắt có thể sẽ giúp ông xoay chuyển tình thế.
Trước mắt, đảng Dân chủ đã toàn thắng trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ ở bang Georgia khi cả hai ứng viên của đảng là Jon Ossoff và Raphael Warnock đều đắc cử. Cuộc bầu cử năm nay cũng đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1992, bang Georgia bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Dân chủ. Chiến thắng này chính là một thất bại lớn của đảng Cộng hòa khi Georgia - vốn là bang ủng hộ đảng Cộng hòa trong suốt hai thập niên qua đặt niềm tin vào ông Joe Biden.
Uy tín và hình ảnh đang lên của đảng Dân chủ là một sự thật khó thể chối cãi. Nhìn rộng ra, tình hình chính trị Georgia thay đổi đánh dấu một sự chuyển dịch rất lớn về quan điểm chính trị đang diễn ra khi cử tri ngày càng đa dạng hơn về mặt chủng tộc, văn hóa ở khu vực miền Nam nước Mỹ, vốn rất có lợi cho đảng Dân chủ nói riêng và các đảng phái thiên tả nói chung về sau.
Với hai ghế ở Georgia nắm chắc trong tay, đảng Dân chủ sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong nhiệm kỳ tới từ tay đảng Cộng hòa hiện tại. Như vậy, ông Biden sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với thuận lợi trước mắt là đảng Dân chủ sẽ kiểm soát cả hai nhánh: hành pháp (Nhà Trắng) và lập pháp (lưỡng viện Quốc hội). 2021 cũng là năm đầu tiên sau gần 10 năm đảng Dân chủ có được quyền kiểm soát thống nhất ở cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện. Điều này đồng nghĩa với việc phía Cộng hòa sẽ khó có thể làm khó dễ chương trình nghị sự cùng các đề cử nhân sự của chính quyền ông Biden.•
Quốc tế phản ứng kịch liệt trước vụ bạo loạn ở Quốc hội
Trước tình trạng bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ đêm 6-1, Liên Hợp Quốc (LHQ) và một số lãnh đạo nhiều tổ chức, quốc gia đồng minh Mỹ đã tỏ ra bất bình trước hành động quá khích của phe ông Trump, theo đài CNN.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg là một trong những nhà lãnh đạo có phản ứng đầu tiên về tình hình tại Mỹ. Ông đã gọi các cuộc biểu tình bạo lực tại Washington, D.C. là “cảnh tượng hãi hùng”, đồng thời khẳng định kết quả cuộc bầu cử “dân chủ” tại Mỹ cần phải được tôn trọng.
Trên trang Twitter chính thức, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Volkan Bozkir đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và lên án tình trạng bạo lực, hỗn loạn xảy ra khi người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington, D.C., phá vỡ quy trình dân chủ tại chính nước Mỹ. Ông Bozkir khẳng định nước Mỹ là một trong những quốc gia lớn có nền dân chủ nên ông tin rằng hòa bình và sự tôn trọng dân chủ sẽ sớm được thiết lập trở lại tại đây, đặc biệt vào thời điểm này.
Cùng ngày, Thủ tướng nước láng giềng Canada Justin Trudeau bày tỏ “vô cùng lo lắng” khi hàng ngàn người ủng hộ ông Trump tấn công Quốc hội, gọi đây là cuộc “tấn công vào nền dân chủ”.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng những gì vừa diễn ra là một “cảnh tượng đáng xấu hổ” và kêu gọi một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, trật tự giữa ông Trump và ông Biden.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết những gì đang diễn ra ở Mỹ thực sự là một cú sốc. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cũng lên tiếng cho rằng: “Đây là một cuộc tấn công chưa từng thấy vào nền dân chủ Mỹ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm