Tổng biên tập Wikileaks đòi Hillary Clinton từ chức

Tổng biên tập Wikileaks đòi Hillary Clinton từ chức ảnh 1
Hillary Clinton được cho là yêu cầu nhân viên ngoại giao Mỹ hoạt động tình báo ở Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP.
Đích thân tổng biên tập của Time Richard Stengel đã thực hiện cuộc phỏng vấn kéo dài 36 phút với Assange. Stengel hỏi Assange liệu việc Hillary Clinton bị sa thải hoặc từ chức có phải điều ông này muốn hay không.

"Tôi không nghĩ hai điều đó có gì khác nhau", Assange trả lời. "Tuy nhiên, bà ấy nên từ chức nếu như đúng là bà phải chịu trách nhiệm vì đã ra lệnh cho những nhân viên ngoại giao Mỹ làm gián điệp ở Liên Hợp Quốc, vi phạm các công ước quốc tế mà Mỹ đã ký. Bà ấy nên từ chức vì điều này".

Trong tài liệu mới được Wikileaks tiết lộ, Ngoại trưởng Hillary Clinton được cho là đã ký một bức điện tín, trong đó, yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ thu thập thông tin về tiểu sử, dữ liệu sinh trắc học, mẫu ADN và dấu vân tay của các quan chức cấp cao LHQ. Các nhà ngoại giao Mỹ cũng được yêu cầu tìm thông tin về "phong cách quản lý và ra quyết định" của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, cũng như phạm vi ảnh hưởng của nhà lãnh đạo này đối với ban thư ký Liên Hợp Quốc.

Assange cũng cho biết Wikileaks còn nắm giữ nhiều tài liệu mật khác nữa. "Chúng tôi sẽ tăng lên các thông tin được tiết lộ khi các đối tác truyền thông khác tham gia", ông nói. Thực tế, cả thế giới đang hồi hộp chuẩn bị đón những thông tin từ Wikileaks. Giới chức Pakistan tin chắc sẽ còn nhiều tài liệu nhắc tới nước họ. Báo chí Nga thì sốt sắng liệu Wikileaks có thông tin hậu trường về cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8/2008 hay không.

Assange cho hay những tài liệu được biên tập "cẩn thận". "Chúng đều được xem xét hoặc được biên tập bởi chúng tôi hoặc những tờ báo liên quan", ông nói và thêm rằng Wikileaks đã "chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ trợ giúp. Yêu cầu này bị từ chối".

Khi được hỏi cơ sở nào khiến Wikileaks tiết lộ những thông tin trên và liệu ông có xem đó là "gây rối" hay không, Assange cho hay: "Không chút nào. Tổ chức này tuân theo pháp luật, chúng tôi muốn thế giới văn minh hơn và chống lại các tổ chức lạm quyền đẩy nó tới hướng ngược lại", ông nói.

"Trong 4 năm tồn tại, chúng tôi đã chiến thắng hơn 100 vụ kiện cáo. Phải nhớ rằng luật pháp không phải là - hoặc không đơn giản là - thứ kẻ mạnh muốn. Luật pháp không phải là thứ số đông muốn. Luật pháp không phải là điều Hillary Clinton nói".

Khi được hỏi liệu Bradley Manning - cựu sĩ quan phân tích tin tình báo của Mỹ nay bị giam ở bang Virginia - có phải là nguồn tin duy nhất của Wikileaks hay không, Assange cho hay: "Chúng tôi bảo vệ nguồn tin. Vì thế, chúng tôi không bàn về các nguồn tin đó. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng FBI, Bộ Ngoại giao, Bộ Chỉ huy Điều tra Tội phạm của Quân đội Mỹ đã gặp gỡ một số người ở Boston" có quan hệ với Manning. Nhà của bà mẹ ở Wales, Anh, cũng "bị FBI viếng thăm, đột nhập tùy theo cách các vị nhìn nhận".

Về những bước đi tiếp theo của Wikileaks, Assange cho hay Wikileaks sẽ nhắm tới những tổ chức lợi dụng tính chất bí mật của công việc của họ để che giấu những hành vi không đúng đắn.

Một bài báo trên tạp chí Forbes phỏng vấn Assange trước vụ rò rỉ thông tin mới nhất cho biết Wikileaks đang nhắm tới các tổ chức tài chính lớn của Mỹ. Assange cũng khẳng định điều này: "Đúng, ngân hàng có trong đó và nhiều tổ chức đa quốc gia nữa". Ông thêm rằng số lượng tài liệu về các tổ chức này đã tăng lên. "Tài liệu về ngân hàng là 10.000, so với hàng trăm trước đó".

Theo H. Ninh (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm