Tòa Hình sự quốc tế nói không từ bỏ điều tra dù Mỹ trừng phạt

Quyết định trừng phạt Tòa Hình sự quốc tế (ICC) từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp phải phản ứng rắn từ chính ICC và sự phản đối từ hàng loạt đồng minh của Mỹ.

Anh, Đức, Pháp cùng phản đối mạnh

Ngày 13-6, phía Anh ra tuyên bố thể hiện sự ủng hộ với ICC, nhấn mạnh rằng cơ quan tư pháp này phải được tạo điều kiện hoạt động vô tư không thiên vị và không sợ bị trừng phạt khi điều tra các hành động phạm tội quốc tế.

Trong tuyên bố ngày 13-6, Ngoại trưởng Anh Dominic Raad khẳng định Anh ủng hộ mạnh mẽ hoạt động của ICC trong việc không để các tội phạm quốc tế nguy hiểm né bị trừng trị.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ cải cách tích cực của tòa án, để tòa có thể hoạt động thêm hiệu quả. Các quan chức ICC nên được tạo điều kiện để thực hiện hoạt động của mình một cách độc lập và vô tư, và không sợ bị trừng phạt” – Ngoại trưởng Raad nói thêm.

Đây là lần hiếm hoi Anh – một đồng minh chủ chốt của Mỹ - lên tiếng phản đối hành động của đồng minh.

Trụ sở Tòa Hình sự quốc tế tại TP The Hague (Hà Lan). Ảnh: Marina Riera Rodoreda/HUMAN RIGHT WATCH

Cũng trong ngày 13-6, Đức cũng lên tiếng phản đối Mỹ gây áp lực với ICC. Khẳng định mình là một trong những nước ủng hộ ICC mạnh nhất, Đức nói mình tin tưởng hoàn toàn vào hoạt động của ICC và đánh giá cao vai trò không thể thiếu của ICC trong việc bài trừ tội ác quốc tế.

Trước khi Anh và Đức lên tiếng, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Pháp cũng thể hiện sự không đồng ý với quyết định của Mỹ. Ngày 12-6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hành động của chính phủ ông Trump là sự tấn công vào Đạo luật Rome vốn là nền tảng thành lập ICC, là sự thách thức chủ nghĩa đa phương và hoạt động tự do của ngành tư pháp. Ngoại trưởng Le Drian cũng đề nghị Mỹ ngay lập tức rút bỏ các biện pháp trừng phạt ICC.

ICC tuyên bố không từ bỏ điều tra Mỹ

Trong ngày 13-6, Thụy Sĩ cũng lên tiếng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ với ICC. Thụy Sĩ tuyên bố mình ủng hộ ICC điều tra độc lập “các tội ác nghiêm trọng nhất để đóng góp cho an ninh, ổn định quốc tế”.

Thụy Sĩ cho rằng bản chất hoạt động của ICC là chỉ tiến hành điều tra nhắm vào một các cá nhân một nước nào đó trong trường hợp hệ thống tư pháp của nước đó không có ý định hoặc không có khả năng thực hiện điều tra. Vì thế nếu không muốn ICC vào cuộc thì Mỹ nên thực hiện đầy đủ bổn phận tư pháp của mình, cụ thể là phải điều tra và truy tố các binh sĩ Mỹ liên quan đến các cáo buộc tội ác ở Afghanistan.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) – ông Josep Borrell cũng cho rằng các nước cần tôn trọng ICC vì tổ chức này có vai trò quan trọng trong việc bảo toàn và thực thi luật pháp quốc tế. Theo ông Borrell, các ngoại trưởng EU sẽ thảo luận về quyết định của Mỹ.

Người phát ngôn Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc Rupert Colville cho rằng “sự độc lập và khả năng hoạt động không bị can thiệp của ICC phải được bảo đảm, để tòa có thể quyết định các vấn đề mà không bị bất kỳ ảnh hưởng, thuyết phục, áp lực, đe dọa hay can thiệp không thích hợp nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ bất kỳ đâu và với bất kỳ lý do nào”.

Cuộc điều tra của ICC nhắm vào lực lượng Mỹ ở Afghanistan bắt đầu từ tháng 3 năm nay, sau nhiều năm chuẩn bị.

Phần mình, ICC nói cực kỳ lấy làm tiếc về các đe dọa và hành động ép buộc của Mỹ, nhưng tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục hoạt động điều tra của mình. ICC chỉ trích Mỹ tấn công, gây sức ép, can thiệp vào quy trình xét xử của mình và vào nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Theo ICC, quyết định “chưa có tiền lệ” của Mỹ có nguy cơ làm suy yếu đi các nỗ lực của ICC trong đấu tranh đưa các tội phạm chiến tranh ra trước công lý.

Mỹ nói có “tham nhũng tài chính” tại ICC

Động thái của các bên đến hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh chỉ đạo trừng phạt kinh tế và hạn chế đi lại với các nhà điều tra của ICC điều tra hoạt động của nhiều nhân sự quân đội và tình báo Mỹ ở Afghanistan với nghi ngờ họ phạm tội ác chiến tranh.

Trong tuyên bố trước truyền thông sau khi sắc lệnh trừng phạt ICC của ông Trump có hiệu lực, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói Mỹ có các thông tin thực chất, đáng tin cậy rằng có tình trạng “tham nhũng tài chính” tại ICC, và điều này dẫn tới “nghi ngờ về tính chính trực của các nhà điều tra ICC”.

Lực lượng Mỹ tại Afghanistan bị điều tra cáo buộc là tội phạm chiến tranh và vi phạm tội ác chống lại loài người từ năm 2003. Cụ thể ICC điều tra về cáo buộc tra tấn tù nhân tại các nhà tù bí mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Đông Âu; các hành vi tội ác của lực lượng Mỹ, binh sĩ Afghanistan và Taliban;…

Trước khi ICC tiến hành điều tra, Mỹ đã cố gắng phong tỏa điều này và một trong những nỗ lực đó là ra hạn chế đi lại với công tố viên Fatou Bensouda, từ chối cấp thị thực cho bà vào Mỹ năm 2019.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc ICC cố tình nhắm vào Mỹ và “những người bạn và đồng minh của chúng tôi ở Israel và những nơi khác”, đồng thời nhấn mạnh Mỹ “quyết tâm ngăn chặn” điều này xảy ra.

Ngày 12-6, kênh Channel 1 của Israel đưa tin nước này và Mỹ đã hợp tác hành động trong chuyện trừng phạt ICC. Cơ quan tư pháp này cũng có một cuộc điều tra riêng với Israel về cáo buộc nước này phạm tội ác chiến tranh khi “chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine, bao gồm cả Đông Jerusalem, kể từ ngày 13-6-2014”.

Chính quyền Palestine ở Bờ Tây đã chính thức gia nhập ICC từ tháng 4-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm