Tình trạng bưng bít thông tin trong lực lượng tình báo Mỹ

Hôm 26/4/2010, ông Risen đã bị Trưởng Công tố William Welch II tống trát yêu cầu ra điều trần trước một đại bồi thẩm Tòa án khu vực Alexandria, bang Virginia, vào ngày 4/5/2010 về nguồn cung cấp thông tin mà ông sử dụng trong quyển sách có nhan đề "State of War: The Secret History of the CIA and the Bush Administration" (tạm dịch: Tình trạng chiến tranh: Lịch sử bí mật của CIA và chính quyền Bush), xuất bản năm 2006. Tuy nhiên, Risen đã từ chối tiết lộ nguồn tin theo yêu cầu của Viện Công tố và đang đề nghị một thẩm phán tòa án khu vực ra phán quyết bác bỏ yêu cầu nói trên.

Tình trạng bưng bít thông tin trong lực lượng tình báo Mỹ ảnh 1

Nhà báo James Risen

Trước ông Risen, vào đầu tháng 4/2010, Công tố viên Welch cũng đã truy tố một cựu quan chức của NSA vì các cáo buộc liên quan đến việc cung cấp thông tin cho loạt bài báo đăng trên tờ Baltimore Sun, trong đó tiết lộ các sai sót kỹ thuật và chi tiêu lãng phí của nhiều chương trình do thám của cơ quan này gây tốn kém nhiều tỉ USD. Welch là một cựu quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp Mỹ. Ông ta rất quyết tâm trong việc yêu cầu Risen phải tiết lộ nguồn thông tin.

Phóng viên Risen là một cây bút nhiều kinh nghiệm và giàu uy tín của tờ New York Times. Ông từng viết cho tờ Los Angeles Times trước khi về đầu quân cho New York Times. Mảng đề tài mà ông quan tâm nhất là tình báo và các hoạt động của chính quyền Mỹ, nhất là hoạt động do thám, các chương trình nghe lén, theo dõi dân chúng của Nhà Trắng. Ông đặc biệt quan tâm sâu vào các chương trình gián điệp ở nước ngoài của CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).

Năm 2005, Risen từng đoạt giải Pulitzer cho bài báo viết về chương trình theo dõi, giám sát công chúng Mỹ của NSA. Lúc đó, nhiều giới, có cả Thượng nghị sĩ Obama, đã lên án chương trình đó, cho rằng nó bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính quyền George W. Bush đã phản ứng quyết liệt, cho rằng bài báo đã làm lộ thông tin mật "gây tổn hại cho an ninh quốc gia" và mở một cuộc điều tra về nguồn cung cấp thông tin cho bài báo. Rốt cuộc, không có ai bị quy trách nhiệm cả.

Tình trạng bưng bít thông tin trong lực lượng tình báo Mỹ ảnh 2

Bìa quyển sách "State of War: The Secret History of the CIA the Bush Administration"

Vụ việc đang diễn ra liên quan đến chương 9 của quyển sách “State of War”, với nội dung chủ yếu xoay quanh nỗ lực bất thành của CIA trong việc phá hoại công trình nghiên cứu hạt nhân của Iran. Đây là những thông tin lần đầu tiên được công bố trong quyển sách, chưa hề được đăng trên báo New York Times.

Theo tờ New York Times, chương 9 của quyển sách mô tả một "phi vụ" gián điệp trong đó CIA cử một nhà khoa học Nga (đào tẩu sang Mỹ và làm gián điệp ngầm cho CIA) đến Vienna (Áo) vào tháng 2/2000 để trao cho một quan chức Iran bản thiết kế ngòi nổ bom hạt nhân với điều kiện ông ta sẽ hỗ trợ thêm nếu được phía Iran chi trả thù lao thỏa đáng. CIA đã cố tình "gài" một sai sót kỹ thuật trong bản thiết kế, nhưng đã bị vị chuyên gia người Nga phát hiện. Sau đó, kế hoạch vẫn được CIA xúc tiến và vị chuyên gia này đã "cảnh báo" quan chức người Iran nọ rằng có sai lỗi trong bản thiết kế, với suy nghĩ rằng người Iran sẽ "không coi trọng" lời nói của mình.

Tác giả Risen viết: Có lẽ các nhà khoa học Iran đã "chọn lọc những thông tin có giá trị của bản thiết kế và bỏ qua sai sót kỹ thuật" mà CIA đã cố tình gài vào, do đó vô hình trung CIA đã gián tiếp hỗ trợ người Iran có thêm kỹ thuật chế tạo vũ khí hạt nhân. Lo ngại điều này, một sĩ quan chuyên nghiên cứu tình huống của CIA đã lên tiếng cảnh báo Ủy ban Tình báo Quốc hội nhưng không nhận được phản hồi.

Những tiết lộ trên đây của Risen từng khiến chính quyền Bush "mất ăn mất ngủ", và tháng 1/2008, Bộ Tư pháp do ông Michael Mukasey đứng đầu đã từng tống đạt trát yêu cầu Risen tiết lộ nguồn cung cấp thông tin cho chương 9 của quyển sách nói trên. Nhưng Risen đã chống lại trát của Bộ Tư pháp và không ra hầu tòa cho đến khi trát hết hiệu lực vào giữa năm 2009.

Lần này, "quả bóng" đang nằm trong tay Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder. Theo luật pháp Mỹ quy định, trong trường hợp nhạy cảm như của Risen, đích thân Bộ trưởng Tư pháp phải ký trát đòi Risen hầu tòa sau khi đã cân nhắc thật kỹ lưỡng những lợi ích của các bên liên quan nội dung thông tin mà Bộ Tư pháp yêu cầu Risen cung cấp. Nếu sau khi có trát của Bộ Tư pháp, Risen tiếp tục chống trát và tòa án từ chối bác bỏ trát, thì ông Risen có thể sẽ đối mặt với bản án tương tự như phóng viên Judith Miller của tạp chí Time từng gặp phải vào năm 2005 (khi đó Miller bị phạt tù 85 ngày vì không chịu cung cấp nguồn thông tin trong vụ án làm lộ danh tính điệp viên CIA Valery Plame Wilson).

Sau vụ việc của phóng viên Judith Miller của tạp chí Time, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi luật pháp phải bảo vệ quyền của nhà báo không tiết lộ nguồn cung cấp thông tin, vì đó là sự sống còn của nghề nghiệp nhà báo. Thế nhưng cho đến nay, một dự luật theo hướng như thế vẫn còn đang bị ách lại ở Thượng viện Mỹ, không biết vì lý do gì. Vì vậy, cuộc chiến giữa một bên là các cơ quan tình báo, an ninh Mỹ với cánh nhà báo vẫn tiếp diễn mà chưa có hồi kết.

Tiểu Khang tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm