Tình báo Mỹ: Phá hoại bầu cử sẽ cực điểm vào ngày 8-11

Ngày người dân Mỹ đi bầu tổng thống 8-11 cũng là ngày nước Mỹ chứng kiến một cuộc chiến công nghệ thông tin khốc liệt và ở một hình thức hoàn toàn mới, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn nhận định của nhiều đương chức và cựu quan chức tình báo Mỹ.

Theo các quan chức này, chiến dịch kéo dài hàng tháng trời nay do Nga bảo trợ nhằm phá hoại uy tín bầu cử tổng thống Mỹ - thông qua tấn công mạng, tung tin tức giả đánh lạc hướng - nhiều khả năng sẽ lên tới cực điểm vào ngày bầu cử.

Phía Nga trước sau vẫn bác bỏ rằng mình không làm việc này. Tuy nhiên các quan chức tình báo Mỹ cảnh báo các tin tặc có thể quấy rối cuộc bầu cử bằng các bước: tung chứng cứ giả về lừa đảo bầu cử lên mạng; làm chậm đường truyền Internet; tấn công mạng; hoặc công bố các email đã tấn công được, không trừ khả năng sửa đổi nội dung trước khi công bố.

“Đừng xem nhẹ những gì họ có thể hay sẽ làm. Chúng ta phải chuẩn bị tư thế. Trong mức độ nào đó họ đã thành công quấy rối tiến trình bầu cử của chúng ta. Và một khi chưa phải trả giá thì họ sẽ còn tiếp tục.” theo ông Leon Panetta - cựu Giám đốc CIA và Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.

Cựu Giám đốc CIA Leon Panetta.

Cựu Giám đốc CIA Leon Panetta. Ảnh: POLITICO

Tuy từ chối bình luận về giả thuyết Nga đang phá hoại bầu cử Mỹ nhưng Giám đốc CIA John Brennan nói rằng tình báo Nga có một lịch sử lâu dài là phối hợp hoạt động gián điệp truyền thống với công nghệ tiên tiến. Theo ông Brennan, thời buổi kỹ thuật số mang tới nhiều cơ hội cho hoạt động gián điệp nhưng cũng mang đến nhiều nguy hiểm.

Trong 18 tháng qua, ông Brennan đã tiến hành một loạt biện pháp cải cách sâu rộng nhất lịch sử 69 năm của CIA. Và bên cạnh lo ngại từ các đe dọa từ khủng bố và an ninh thông thường, đe dọa từ công nghệ mạng cũng là một nguyên nhân thúc giục ông Brennan quyết định cải cách.

“Thời buổi công nghệ thông tin đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta có thể hoạt động và cần hoạt động. Phần lớn tương tác giữa người với người diễn ra trong lĩnh vực kỹ thuật số. Tình báo chuyên nghiệp chịu ảnh hưởng của điều này, không thể tránh được” - ông Brennan từng nói trong nhiều lần trả lời phỏng vấn Reuters.

Giám đốc CIA John Brennan.

Giám đốc CIA John Brennan. Ảnh: REUTERS

Khi một nhà ngoại giao Mỹ tới nhận việc tại đại sứ quán Mỹ ở Nga hay Trung Quốc đều được tình báo các nước này thẩm tra rất kỹ. Nếu người này có quá ít dữ liệu về hoạt động công nghệ - độ tham gia mạng xã hội, lịch sử các cuộc gọi di động, lịch sử dùng thẻ tín dụng - người này sẽ bị quy là nhân viên CIA trá hình.

Nga phá hoại uy tín bầu cử Mỹ không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2014 nhiều tin tặc liên quan đến tình báo Trung Quốc cũng từng ăn cắp thông tin của 22 triệu công chức và người lao động - vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử chính phủ Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm