Tín hiệu vui: Mỹ sắp bào chế thành công thuốc trị COVID-19

Đã hơn một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang cố gắng hết sức để tìm kiếm loại thuốc có thể trị dứt điểm SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh COVID-19.

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại trường ĐH North Carolina ở thị trấn Chapel Hill, bang North Carolina, Mỹ, cho biết loại thuốc kháng virus cúm molnupiravir có tác dụng trực tiếp với hiệu quả cao trong việc giảm mức độ phát triển của virus SARS-CoV-2 bên trong dịch mũi và cổ họng bệnh nhân.

Do công ty dược phẩm đa quốc gia Merck Sharp & Dohme (MSD) phát triển, molnupiravir là loại thuốc kháng virus có hoạt tính cao và được dùng để điều trị bệnh cúm.

Các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy hoạt tính kháng virus phổ rộng của molnupiravir có thể chống lại một số loại virus, bao gồm cả SARS-CoV-2. Khi thử nghiệm loại thuốc này trên loài chuột, molnupiravir đã cho thấy tác dụng trong việc giảm sự phát triển của virus.

Người dân Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AP

Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại trường ĐH North Carolina cũng cho thấy tính an toàn, khả năng dung nạp và hiệu quả trong việc kháng virus của molnupiravir khi được sử dụng để điều trị COVID-19 trên người.

Theo đó, trong giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng, molnupiravir được dùng để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng khởi phát trong vòng bảy ngày và không đến mức phải nhập viện.

Những người tham gia sẽ được uống thuốc hai lần mỗi ngày trong vòng năm ngày, với liều lượng được tăng dần sau khi đảm bảo được mức độ an toàn trên cơ thể các bệnh nhân.

202 cá nhân nhiễm COVID-19 tham gia cuộc thử nghiệm nhận được ít nhất một liều molnupiravir hoặc giả dược trong khoảng thời gian từ ngày 19-6 năm ngoái đến ngày 25-1 năm nay tại 10 địa điểm ở Mỹ. Trong số này, có bảy bệnh nhân ngừng tham gia thử nghiệm do gặp tác dụng phụ hoặc chủ động rút lui.

Loại thuốc kháng virus cúm molnupiravir có tác dụng trực tiếp với hiệu quả cao trong việc giảm mức độ phát triển của virus SARS-CoV-2. Ảnh: REUTERS

Kết quả của quá trình thử nghiệm cho thấy vào ngày thứ ba dùng thuốc, tốc độ nhiễm trùng đã giảm xuống 1,9% ở những bệnh nhân được dùng 800 mg molnupiravir.

Khả năng lây lan của virus cũng suy giảm vào ngày thứ năm ở những bệnh nhân được dùng 400 hoặc 800 mg molnupiravir. Không có bệnh nhân nào ở một trong hai nhóm này được phát hiện có mức truyền nhiễm cao.

Về mặt an toàn và khả năng dung nạp thuốc, molnupiravir hầu như ít gây ra tác dụng phụ. Các tác dụng phụ duy nhất được báo cáo bao gồm nhức đầu, mất ngủ và tăng nồng độ chất hữu cơ alanin aminotransferase.

Kết quả bài nghiên cứu, được đăng trên trang thông tin sức khỏe medRxiv, cho thấy molnupiravir có cấu trúc an toàn, phù hợp để trở thành một chất kháng virus đầy hứa hẹn để điều trị COVID-19 trong tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm