Tín hiệu mới cho thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Đài Loan

Tờ Nikkei Asian Review ngày 12-9 đưa tin Đài Loan chuẩn bị tổ chức đối thoại kinh tế với Mỹ vào đầu tuần tới, đặt cơ sở cho các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do giữa hai bên trong tương lai.

Theo đó, Cơ quan ngoại giao Đài Loan hôm 11-9 cho biết các cuộc thảo luận đang được tiến hành nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến từ ngày 17-9 đến ngày 19-9 của ông Keith Krach - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường.

Đài Loan hy vọng sẽ hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực chất bán dẫn và mạng 5G, đồng thời củng cố mối quan hệ với Mỹ nhằm hướng tới các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương vốn bị đình trệ lâu nay.

Thỏa thuận thương mại với Mỹ là một nội dung chính trong chương trình nghị sự của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. 

 Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: REUTERS

Trước đó, bà Thái Anh Văn hôm 28-8 công bố Đài Loan sẽ nới lỏng các hạn chế đối với thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ tháng 1-2021. Quyết định này đã loại bỏ rào cản lớn nhất đối với thỏa thuận thương mại giữa Đài Loan và Mỹ.

"Quan hệ Đài Loan – Mỹ đang ở mức mạnh nhất trong nhiều thập niên. Đây là cơ hội lý tưởng cho sự phát triển kinh tế và thương mại của Đài Loan” – bà Thái Anh Văn cho biết.

Ông David Stilwell - trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á – hôm 31-8 cho biết Mỹ và Đài Loan đang "thiết lập một cuộc đối thoại kinh tế song phương mới". Đây là sáng kiến mà theo Mỹ là nhằm tăng cường quan hệ với Đài Loan và hỗ trợ vùng lãnh thổ này trước sức ép ngày một tăng từ Trung Quốc.

Hiệp định giúp Trung Quốc "trói chân" Đài Loan 

Theo Nikkei Asian Review, xu hướng các công ty Đài Loan dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc thời gian qua đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ Trung - Đài so với của một thập kỷ trước. 

Theo đó, Các công ty Đài Loan đã đầu tư gần 30 tỉ USD vào hòn đảo này kể từ năm 2019, gấp năm lần chi tiêu của họ vào Trung Quốc.

Công ty Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan, nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới, hồi tháng 5 đã chọn Mỹ để đặt cơ sở chế tạo tiên tiến đầu tiên bên ngoài hòn đảo này. Hon Hai Precision Industry, còn được gọi là Foxconn, đã bắt đầu sản xuất hàng loạt điện thoại iPhone 11 của hãng Apple tại Ấn Độ trong năm nay.

Hiệp định Khung Hợp tác Kinh tế (ECFA), về cơ bản đóng vai trò như một thỏa thuận thương mại tự do giữa Đài Loan và Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 9-2010. Ông Mã Anh Cửu - lãnh đạo Đài Loan vào thời điểm năm 2010 - đã thúc đẩy quan hệ xuyên eo biển mạnh mẽ.

Theo ECFA, Trung Quốc ban đầu giảm thuế đối với 539 sản phẩm của Đài Loan như hàng nhựa, trong khi Đài Loan cắt giảm thuế đối với 267 mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, thỏa thuận áp dụng cho 16% xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc, tương đương 13,8 tỉ USD, cũng như 11% xuất khẩu của Trung Quốc sang Đài Loan, trị giá 2,8 tỉ USD.

Tuy nhiên, những điều đó hóa ra lại là thành quả đầu tiên và cuối cùng của thỏa thuận. Thỏa thuận kêu gọi mở rộng mối quan hệ kinh tế giữa hai bên, nhưng trong thập niên qua, Trung Quốc đã không nhượng bộ để điều đó xảy ra.

Theo ước tính của Cơ quan Kinh tế Đài Loan, hiện nay, thỏa thuận bao gồm chưa đến 5% kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, Đài Loan chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch thương mại.

Đài Loan ngày càng nghi ngờ rằng thỏa thuận này là công cụ để Trung Quốc tiếp quản hòn đảo này. 

Tại Trung Quốc, một số tiếng nói cấp tiến đã kêu gọi hủy bỏ ECFA, vì một bên có thể đơn phương chấm dứt thỏa thuận thông qua một thông báo.

Tuy nhiên, giáo sư Fan Shih-ping tại Đại học Sư phạm Đài Loan cho biết: "việc Trung Quốc từ bỏ ECFA sẽ cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc không thể đưa ra quyết định đó vì mục tiêu của họ là thống nhất".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm