Tiết lộ chấn động vụ người thân lãnh đạo Trung Quốc trốn thuế

Tiết lộ chấn động vụ người thân lãnh đạo Trung Quốc trốn thuế ảnh 1

Trang web của ICIJ công bố báo cáo điều tra về giới trốn thuế toàn cầu - Ảnh: AFP

 AFP dẫn báo cáo điều tra của ICIJ khẳng định rằng anh rể của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng con trai và con rể của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo nằm trong số những người gửi của cải ra nước ngoài để trốn thuế.

ICIJ nói rõ rằng không có bằng chứng cho thấy các chính trị gia kể trên biết về việc người thân trốn thuế.

Theo điều tra của tổ chức này, gần 22.000 cá nhân từ Trung Quốc và Hồng Kông, gồm cả người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Lý Bằng và cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình có tên trong báo cáo điều tra.

Ngoài ra, danh sách các cá nhân trốn thuế tại Trung Quốc do ICIJ cung cấp còn có các đại biểu quốc hội, lãnh đạo các tổng công ty nhà nước và một số đại gia giàu có nhất nước này, chẳng hạn như trùm bất động sản Trương Hân, Trương Chi Động, nhà đồng sáng lập Tập đoàn Tencent và Dương Huệ Nghiên, người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc.

Chưa có ai trong số này bình luận về báo cáo của ICIJ, theo AFP.

Tài liệu mật mà ICIJ công bố còn bao gồm danh tính của 16.000 cá nhân ở Đài Loan.

Có đến 90% cá nhân từ Trung Quốc bị nêu tên trong báo cáo điều tra được cho là đã thiết lập các công ty trốn thuế tại quần đảo Virgin (Anh), thường là thông qua sự trợ giúp từ các tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới như UBS (Thụy Sĩ), PricewaterhouseCoopers (Anh).

Quần đảo Virgin được cho là điểm đến của Đặng Gia Quý, anh rể ông Tập, người đã kết hôn với chị của Chủ tịch Trung Quốc hồi năm 1996 và hiện là một nhà đầu tư và là chủ doanh nghiệp bất động sản giàu có, AFP dẫn báo cáo của ICIJ.

Cũng theo điều tra của ICIJ, ông Đặng đang sở hữu 50% cổ phần một công ty có tên là Excellence Effort Property Development, có trụ sở đặt tại quần đảo của Anh.

Được biết, trang web của ICIJ đã bị chặn tại Trung Quốc vào ngày 22.1.

2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin mật

ICIJ vốn là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1997 nhằm tổ chức cho các phóng viên cùng hợp tác điều tra, phanh phui các vụ tham nhũng.

Báo cáo điều tra về gian lận tài chính toàn cầu của ICIJ được coi là lớn nhất trong 16 năm hoạt động của tổ chức này.

Hồi tháng 4.2013, ICIJ đã phanh phui “các thiên đường trốn thuế” trên toàn thế giới, phơi bày bí mật của hơn 120.000 chi nhánh nước ngoài của nhiều công ty và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân, tại hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Cuộc điều tra dựa vào 2,5 triệu tập tin lưu trữ thông tin mật nằm trong một ổ cứng mà tổ chức này bí mật nhận được.

ICIJ cho biết vụ việc “có thể trở thành sự hợp tác chưa từng có trong lịch sử báo chí thế giới”.

Trong báo cáo công bố kỳ này, ICIJ nói đã hợp tác với hơn 50 hãng tin khác nhau trên toàn thế giới, gồm cả The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), Ming Pao (Hồng Kông), để xem xét dữ liệu mật.

Một tờ báo Trung Quốc, nằm trong số các hãng tin đồng ý hợp tác với ICIJ, đã rút lui vào tháng 11.2013 sau khi “chính quyền cảnh báo không được đăng tải bất kỳ cái gì” từ dữ liệu mật kể trên, ICIJ cho hay.

Theo Hoàng Uy (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm