Tiêm mũi 3 và ‘bài toán’ khó về nguồn cung vaccine

Trong khi nhiều nước vẫn chậm chân trong cuộc đua tìm đủ vaccine để tiêm chủng cho người dân, một số nước giàu nghĩ tới, hoặc thậm chí triển khai, việc tiêm mũi vaccine thứ ba cho một số đối tượng ưu tiên.

Châu Âu và Trung Đông đi đầu 

Pháp được ghi nhận là quốc gia đầu tiên triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba để tăng cường hệ miễn dịch phòng ngừa COVID-19 cho một số đối tượng có vấn đề về miễn dịch. Từ ngày 11-4, cơ quan y tế Pháp đã cho phép tiêm mũi vacicne thứ ba đối với người được cấy ghép tủy hoặc tạng, người chạy thận nhân tạo, bị bệnh tự miễn hoặc điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch liều cao. Ngày 12-7, Israel cũng triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhóm đối tượng tương tự.

Một nhóm đối tượng khác cũng có thể được tiêm mũi vaccine thứ ba là người cao tuổi. Từ đầu tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba cho người từ 50 tuổi trở lên, trong khi Israel hôm 29-7 mở rộng diện được tiêm mũi vaccine thứ ba sang nhóm người từ 60 tuổi. 

Tổng thống Israel Isaac Herzog và phu nhân tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba hôm 30-7. Ảnh: THE TIMES OF ISRAEL

Mỗi nước có quy định riêng về loại vaccine sẽ được sử dụng ở mũi thứ ba, song cả ba nước trên đều chấp nhận dùng vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) cho mũi tiêm thứ ba. Trong khi Israel chỉ cho phép tiêm mũi nhắc lại này bằng vaccine của Pfizer, các nước khác còn cho phép người dân chọn một loại vaccine khác, là sản phẩm của các hãng SinoVac (tại Thổ Nhĩ Kỳ), Moderna (tại Pháp).

Một số nước lý giải quyết định triển khai mũi vaccine thứ ba bằng cách viện dẫn các nghiên cứu cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian. Thủ tướng Israel Naftali Bennett lý giải rằng vaccine ngừa COVID-19 cũng cần được “làm mới” giống như vaccine ngừa cúm mùa. Tương tự, Anh cũng dự kiến triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba từ tháng 9 tới do lo ngại COVID-19 sẽ lây lan mạnh trong mùa đông.

Ngoài ra, giới chức Pháp và Israel còn nhắc tới các nghiên cứu riêng biệt đối với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc ức chế miễn dịch, cho thấy khả năng sản sinh kháng thể không cao dù những người này đã được tiêm đủ hai liều vacine. Một số nước khác như Thái Lan, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)… lại đặc biệt chú trọng vào những người đã tiêm của SinoVac, cho phép nhóm này được tiêm nhắc lại bằng một loại vaccine của Anh hoặc Mỹ.

Nguồn cung và phân bổ vẫn là bài toán khó

Theo tạp chí Barron’s, công suất sản xuất vaccine toàn cầu trước đại dịch COVID-19 là khoảng 3,5 - 5,5 tỉ liều mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể lên tới 12 tỉ liều, đủ cho khoảng 6 tỉ dân khi mỗi người cần hai mũi vaccine để được miễn dịch đầy đủ. Số liều còn có thể tăng lên khi mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai các mũi tiêm nhắc lại. 

Lực lượng y tế Mali vui mừng tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 thông qua chương trình COVAX. Ảnh: UNICEF

Ngay từ đầu năm 2020, nhiều đơn vị sản xuất vaccine đã chấp nhận rủi ro khi tăng cường đầu tư và tiếp nhận sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc các nguồn lực bên ngoài để mở rộng quy mô sản xuất và hợp tác với các đối tác nhằm tăng năng suất sản xuất vaccine. Nhờ đó, công suất sản xuất vaccine toàn cầu đã tăng gấp đôi, có thể tạo ra 10 tỉ liều vaccine mỗi năm trong điều kiện sản xuất lý tưởng.

Tuy nhiên, có thể phải mất tới 5 năm để xây dựng và chứng nhận năng lực của các cơ sở sản xuất vaccine quy mô lớn. Barron’s cũng lưu ý rằng các cơ sở tham gia sản xuất vaccine còn chịu ảnh hưởng từ việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô và trang thiết bị, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, thế giới cũng đối mặt với sự bất bình đẳng về phân bổ vaccine, điều đã đã tồn tại từ trước đại dịch COVID-19, theo tổ chức nghiên cứu chính sách kinh tế Bruegel (Bỉ). Theo đó, Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) chiếm đa số trong tổng nguồn cung vaccine toàn cầu và chủ yếu bán cho các nước giàu. Các nước đang và kém phát triển phải trông chờ vào vaccine sản xuất tại Ấn Độ, trong khi sản phẩm của Trung Quốc chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa khổng lồ của nước này.

Trong đại dịch COVID-19, EU và Mỹ tiếp tục chiếm phần lớn thị phần vaccine với đa số khách hàng vẫn là nước có thu nhập cao. Hầu hết các nước nghèo hơn phải trông chờ vào vaccine của Trung Quốc khi mà Ấn Độ vật lộn với làn sóng dịch thứ hai do biến thể Delta và chịu sức ép lớn từ nhu cầu trong chính quốc gia Nam Á này.

Hồi tháng 6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong số 80 nước nghèo nhận vaccine ngừa COVID-19 qua chương trình COVAX, khoảng 40 nước đang cạn nguồn vaccine. Điều này khiến nhiều nước ở châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latinh đã tạm dừng hoặc giảm quy mô tiêm chủng do thiếu nguồn vaccine, cũng như lên tiếng nhờ cộng đồng quốc tế hỗ trợ. WHO lo ngại tình trạng khan hiếm vaccine có thể còn nghiêm trọng hơn.

Trong khi các nước giàu đạt tỉ lệ tiêm chủng trung bình lên tới 68% thì chỉ khoảng 2% người dân sống tại các nước nghèo đã tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19, theo số liệu hồi tháng 6 của WHO. Chương trình COVAX đặt mục tiêu đến đầu năm 2022, phân bổ tổng cộng 1,8 tỉ liều vaccine cho hơn 90 nước nghèo. Tuy nhiên, tính tới cuối tháng 7, lượng phân bổ thực tế chỉ đạt 153,6 triệu liều vaccine cho 137 nước, gồm cả những quốc gia không thuộc nhóm 90 nước nghèo nhất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm