Thượng viện Mỹ soạn thảo dự luật về công nghệ đối phó Bắc Kinh

Theo hãng tin Reuters, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ngày 23-2 đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo một dự luật, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Động thái của ông Schumer được cho là đã tận dụng quan điểm cứng rắn của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh, theo đó dự luật này sẽ giúp củng cố lĩnh vực công nghệ của Mỹ và đối phó các hành vi không công bằng của Trung Quốc.

Lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần hôm 23-2, ông Schumer đã chỉ đạo các ủy ban soạn thảo một dự luật của lưỡng đảng.

Dự luật này sẽ dựa trên dự luật do ông Schumer đề xuất năm 2020 nhằm kêu gọi Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) cung cấp thêm 100 tỉ USD trong năm năm để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, từ trí tuệ nhân tạo đến điện toán lượng tử và chất bán dẫn.

Theo ông Schumer, dự luật mới sẽ tập trung vào việc đầu tư vào hoạt động sản xuất, khoa học - công nghệ, chuỗi cung ứng và chất bán dẫn của Mỹ.

Các thượng nghị sĩ cũng đang xem xét việc cung cấp kinh phí khẩn cấp để thực hiện các chương trình thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của lưỡng đảng thuộc Đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2020 - vốn cung cấp ngân sách quốc phòng cho Bộ Quốc phòng Mỹ năm tài khóa 2021.

Dự luật mới cũng sẽ đảm bảo các liên minh công nghệ và liên minh chiến lược của Mỹ nhằm đối phó Trung Quốc. 

Theo Reuters, chỉ đạo của ông Schumer được đưa ra trong bối cảnh “phe diều hâu” tại đảng Cộng hòa tăng cường áp lực lên Tổng thống Joe Biden trong việc tiếp nối các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump.

Chính quyền ông Biden cho biết đang trong quá trình đánh giá hướng tiếp cận phù hợp với Trung Quốc và cam kết sẽ có cách tiếp cận cứng rắn nhưng đa phương hơn với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ chính sách của ông Biden sẽ đưa ra với Trung Quốc, từ vấn đề mạng xã hội TikTok, vốn bị ông Trump phản đối, đến lệnh cấm đầu tư của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc nghi ngờ có liên quan quân đội Bắc Kinh.

Động thái của ông Schumer cũng được đưa ra trong bối cảnh tiến độ sản xuất của một số nhà sản xuất ô tô Mỹ chậm lại do thiếu chip bán dẫn, vốn một phần khan hiếm do nhu cầu mua sắm điện thoại di động và máy tính trong thời gian đại dịch COVID-19 gia tăng.

Trước đó, ông Schumer hồi năm 2020 đã đề xuất dự luật “Endless Frontier Act” (S.3832), theo đó đổi tên Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) thành Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia, đồng thời thành lập một Tổng cục Công nghệ mới trong quỹ này.

Theo dự luật này, Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia sẽ cung cấp khoản kinh phí 100 tỉ USD trong vòng năm năm nhằm phục vụ việc phát triển trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm