Thượng Hải (TQ): Từ vụ án mạng đến vấn nạn taxi dù

Trong quá trình chấn chỉnh xe taxi dù, nhân viên công vụ luôn đau đầu tìm kiếm chứng cứ. Do đó, đa số nhân viên công vụ phải áp dụng kế sách sử dụng người hỗ trợ điều tra để “thả mồi nhử cá”.

Người hỗ trợ bị đâm

Ngày 7-3, cô Trần Tố Quân 33 tuổi vẫy một chiếc xe taxi dù, yêu cầu tài xế chở cô đến nhà máy phụ tùng ôtô tại thị trấn Đầu Kiều, khu Phụng Hiền, TP Thượng Hải. Đến nơi, phát hiện có công an mai phục, tài xế tên Lôi Khánh Văn rút con dao gọt trái cây đâm liên tiếp vào người Trần Tố Quân.

Hung thủ bị bắt. Nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu.

Hung thủ Lôi Khánh Văn năm nay 21 tuổi, người tỉnh An Huy. Gia đình nghèo nên Văn đến Thượng Hải kiếm sống từ năm 13 tuổi. Do người ngoại tỉnh không được đăng ký lái xe taxi, Văn phải lái xe dù. Y từng một lần bị phạt 10.000 nhân dân tệ (22 triệu đồng VN) về hành vi kinh doanh vận tải trái phép.

Nạn nhân Trần Tố Quân được gọi là người hỗ trợ điều tra cho Đội Thi hành giao thông TP Thượng Hải. Đội đang điều tra xe taxi dù nên phái cô Quân thả mồi nhử cá. Nếu thành công, người hỗ trợ điều tra được thưởng 500 nhân dân tệ (1,1 triệu đồng VN). Chủ taxi dù bị phạt 10.000 nhân dân tệ và được tha.

Cục Quản lý giao thông thành phố Thượng Hải cho biết Luật Giao thông đường bộ quy định xe kinh doanh vận tải trái phép chỉ bị điều tra, xử lý khi đang chở hành khách. Biết rõ đó là xe dù nhưng khi kiểm tra trên xe không có hành khách thì chỉ có cách cho xe đi. Khi kiểm tra, trên xe có hành khách nhưng hành khách không đồng ý hợp tác làm chứng thì ngành giao thông cũng bó tay.

Do khó lấy chứng cứ khi nhận được tin tố cáo, đa số nhân viên công vụ phải áp dụng kế sách sử dụng người hỗ trợ điều tra để thả mồi nhử cá kèm với biện pháp thu thập chứng cứ.

Thả mồi nhử cá được không?

Sau khi vụ án xảy ra, danh nghĩa “người hỗ trợ điều tra” của cô gái xấu số Trần Tố Quân đã gây ra nhiều tranh cãi. Biện pháp thả mồi nhử cá của Đội Thi hành giao thông Thượng Hải trở thành đề tài bàn tán sôi nổi không chỉ trong dư luận mà còn diễn ra trong Đại hội Hiệp thương chính trị và Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) mới đây.

Ông Chu Quốc Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Dân cư Hồng Trừ-TP Thượng Hải) cho rằng không thể dùng phương pháp không chính đáng để ngăn chặn hành vi phạm pháp. Vì vậy, ông không tán thành cách thức thả mồi nhử cá để điều tra xe dù.

Ông Tôn Nam Thân (Viện trưởng Học viện Pháp luật thuộc Đại học Phúc Đan, ủy viên Ủy ban Hiệp thương chính trị toàn quốc khóa 10) nhận định: Trong pháp luật không có lệnh cấm rõ ràng biện pháp thả mồi nhử cá nhưng biện pháp này còn tồn tại một số khiếm khuyết về thực hiện và bảo vệ quyền lợi của nhân chứng.

Còn theo luật sư Trâu Trí Tường (Văn phòng luật sư Long Diệu Thượng Hải), nếu người hỗ trợ điều tra biết trước thời gian và địa điểm nhân viên công vụ mai phục, rồi cố ý đón đưa taxi dù vào nơi mai phục, có thể hiểu đó là hành vi cố ý dụ dỗ người khác vi phạm pháp luật.

Nếu nhân viên chấp pháp biết rõ mục đích và hành vi của người hỗ trợ điều tra, đồng thời chờ đợi taxi dù mắc bẫy thì biện pháp hiển nhiên đó không hợp pháp. Đó là chưa kể đến việc nhiều lái xe không phải là taxi dù bị người hỗ trợ điều tra điềm chỉ sai.

Trò mèo vờn chuột

Do thiếu biện pháp quản lý, xe taxi bị phạt hành chính rồi lại chạy dù tiếp.

Theo số liệu thống kê, năm 2005, TP Thượng Hải đã xử lý hơn 7.500 xe taxi dù. Sang năm sau, số taxi dù tăng lên hơn 22.000 chiếc. Năm 2007, taxi dù tăng tiếp lên hơn 25.000 chiếc, chiếm phân nửa số taxi kinh doanh hợp pháp. Không ít taxi chạy dù sử dụng biển số xe của doanh nghiệp taxi có tiếng.

Hiện tượng này rất đáng báo động vì cứ bắt rồi thả lần thứ nhất, lần hai đến lần ba sẽ dẫn đến vòng tuần hoàn xấu. Xe taxi dù càng ráo riết tìm cách ăn chặn tiền của hành khách để bù lại khoản tiền bị phạt, rốt cuộc hành khách chịu thiệt hại nặng hơn. Vì vậy, cách thức xử lý xe taxi dù hiện nay chẳng khác nào trò chơi mèo vờn chuột.

Ông Đặng Vĩ Chí (Hội trưởng Hội Xã hội học Thượng Hải) nhận xét: Xét một mặt nào đó, biện pháp xử lý taxi dù hiện nay chỉ mang lại tác dụng phụ. Một bộ phận người dân sẽ nghĩ rằng điều tra xử lý taxi dù là cách tăng thu nhập của cơ quan hữu quan.

Ông đề nghị không chỉ phạt hành chính taxi dù mà cần phải quản lý chặt chẽ để tránh tình trạng tài xế taxi dù thì nhẵn mặt nhân viên công vu, còn nhân viên công vụ lại trở thành nhân viên thu phí.

Đâu là biện pháp căn cơ?

Ông Đặng Vĩ Chí (Hội trưởng Hội Xã hội học Thượng Hải) đề nghị nhiều biện pháp quản lý. Ví dụ, có thể thông qua biển số xe để kiểm soát tình hình vận tải; hoặc dùng biện pháp giám sát trên đường và kiểm tra đột xuất để hạn chế tài xế tái phạm sử dụng xe. Cũng có thể áp dụng biện pháp khích lệ tài xế taxi dù tham gia vào hệ thống quản lý xe taxi kinh doanh vận tải hợp pháp.

Xe taxi dù thường hoạt động ở vùng ngoại ô, nơi xe buýt và xe taxi kinh doanh hợp pháp rất ít khi chạy. Vì vậy, muốn giải quyết tận gốc nạn taxi dù, theo ông Đặng Vĩ Chí, các ban ngành giao thông cũng cần phải giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa nhu cầu đi lại của người dân và nguồn cung ứng phương tiện giao thông công cộng.

HỒNG ANH (Theo Tân Hoa xã)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm