Thượng Hải đóng cửa chợ gia cầm sống

Tân Hoa xã đưa tin tính đến ngày 5-4, lại có thêm một ca tử vong do nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 ở tỉnh Chiết Giang, đưa số người chết do nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc lên sáu người (hai ca ở Chiết Giang, bốn ca ở Thượng Hải). Tổng cộng đã có 14 ca nhiễm.

Sở Y tế Thượng Hải cho biết có một ca nhiễm H7N9 đang điều trị đã từng tiếp xúc với một bệnh nhân tử vong hôm 4-4 do H7N9.

Cùng ngày, chính quyền TP Thượng Hải thông báo tạm đóng cửa các chợ gia cầm sống. Hôm 4-4, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ bồ câu tại chợ nông sản Hộ Than ở quận Tùng Giang cho thấy bồ câu đã bị nhiễm virus H7N9. Ngay trong đêm, 20.536 gà, vịt, ngỗng và bồ câu ở chợ này đã bị tiêu hủy. Cơ quan chức năng đang truy tìm nguồn gốc bồ câu bị nhiễm.

Kết quả phân tích cho thấy chủng virus H7N9 ở bồ câu tại chợ Hộ Than có gien rất giống với chủng virus H7N9 ở các bệnh nhân nhiễm cúm H7N9.

Tại lãnh thổ Đài Loan, ngày 5-4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh cho biết du khách Trung Quốc đại lục vẫn có thể đến Đài Loan nhưng bị cấm đến thăm các nông trại chăn nuôi gia cầm.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh cho biết đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cúm H7N9 ở Trung Quốc và đang phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước để phát triển vaccine ngừa cúm H7N9.

Ngày 5-4, tại cuộc họp báo ở Genève (Thụy Sĩ), người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo chưa tìm thấy bằng chứng virus H7N9 lây nhiễm từ người qua người và chưa có ca nhiễm nào ngoài Trung Quốc. Người phát ngôn nhấn mạnh vẫn phải theo dõi chặt chẽ 400 người có tiếp xúc gần gũi với 14 ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc.

WHO cho biết kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy virus H7N9 phản ứng với các loại thuốc kháng virus như Tamiflu. Hiện thời WHO vẫn chưa yêu cầu chẩn bệnh tại sân bay hay hạn chế đi lại mà chỉ đề nghị giữ vệ sinh, đặc biệt là rửa tay thật sạch, tránh xa thú bệnh, nấu chín thịt.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm